18:52 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thêm nhiều địa phương lùi thời gian cho học sinh đi học trực tiếp

09:45 22/02/2022

(THPL) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số ca F0 tăng nhanh, nhiều địa phương đã quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp.

Báo Tin tức cho hay, tối ngày 21/2, thông tin về tình hình tổ chức dạy học trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số tỉnh, thành phố đã quyết định lùi thời gian tổ chức dạy học trực tiếp.

Cụ thể, khối Mầm non có 48/63 tỉnh, thành phố đi học trực tiếp, với 1.800.767/3.255.513 trẻ, tỉ lệ 55,31%. Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk (thành phố Buôn Mê Thuột).

Khối Tiểu học có 54/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường, với 5.282.687/6.067.425 học sinh, tỉ lệ 87,06%. Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Khối Trung học Cơ sở có 60/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường, với 4.782.362/5.289.447 học sinh, tỉ lệ 90,41%. Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội có khối lớp 6 của 12 quận nội thành.

Khối Trung học Phổ thông có 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, với 2.323.134/2.567.799 học sinh, tỉ lệ 90,47%. Cả nước chỉ có tỉnh Lào Cai cho học sinh Trung học Phổ thông dừng học trực tiếp.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường đại học cũng tạm lùi thời gian học trực tiếp do dịch bệnh phức tạp.

Được biết, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỉ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến trường. Bên cạnh đó, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt đối với cấp mầm non và tiểu học.

Thêm nhiều địa phương lùi thời gian đi học trực tiếp. Ảnh minh họa

Theo báo Pháp luật TP.HCM, trước đó, trong báo cáo về tình hình học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán 2022 (tính đến ngày 16/2/2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh  F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học).

Cùng với đó, việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Vẫn theo báo cáo, một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao.

Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí. Việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp…

Đặc biệt, một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, nhất là cấp học mầm non và tiểu học (trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp) dẫn đến tỉ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học, xử lý kịp thời các ca nhiễm, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh khi mở cửa trường học trở lại, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học của các địa phương mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, ban hành hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly đối với trẻ em, học sinh bảo đảm phù hợp, khoa học; hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe khi nhiễm bệnh; rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh là F1 bảo đảm phù hợp.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổ chức, củng cố, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình như một thành tố quan trọng trong thực hiện đổi mới giáo dục với mục đích lâu dài trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục việc học bán trú để các địa phương thực hiện thống nhất trên toàn quốc; phối hợp với Bộ Y tế và ngành Y tế theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe khi nhiễm bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, quy định và thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm thống nhất trên toàn quốc việc mở cửa trường học trở lại trên nguyên tắc “Thích ứng an toàn, hiệu quả” trong bối cảnh dịch còn kéo dài.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu