10:52 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thêm 2 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD

11:06 15/09/2022

(THPL) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có 8 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng tỉnh, thành phố xuất khẩu đạt chục tỷ đô có thêm Bắc Giang và Hà Nội.

Theo thống kê, Bắc Giang đứng thứ 7 với xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng mạnh tới 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 5,26 tỷ USD. Thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 8 với 11,36 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, tương kim ngạch tăng thêm 1,65 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, 3 vị trí dẫn đầu vẫn không thay đổi với TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu, tiếp đến là Bắc Ninh và Bình Dương. Kim ngạch lần lượt của 3 địa phương dẫn đầu là: 32,8 tỷ USD; 30,1 tỷ USD và 24,1 tỷ USD. Và 3 vị trí còn lại là Thái Nguyên, Đồng Nai và Hải Phòng với kim ngạch lần lượt là: 22,2 tỷ USD; 17,2 tỷ USD và 15,8 tỷ USD. 

Như vậy với kết quả cộng dồn 167,56 tỷ USD, 8 địa phương nêu trên chiếm 66,33% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 8 tháng đầu năm.

 Xuất siêu ghi nhận gần 5,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Theo báo Đầu tư, về hoạt động xuất khẩu chung của cả nước, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu ghi nhận gần 5,5 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 185,44 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 28,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với thu hút FDI, thị trường tiêu dùng nội địa, xuất khẩu là 1 trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế có mức tăng trưởng khá, kể cả trong thời điểm dịch bệnh tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo tạp chí VnEconomy, dù đạt được nhiều tín hiệu khả quan nhưng Bộ Công Thương dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Đến hết quý 3/2022, việc bảo đảm vị thế xuất siêu sẽ là thách thức, khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, nhất là ở các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU.

Lạm phát tăng cao ở những thị trường này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… điều này sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao... cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Một lo ngại nữa, trong thời gian tới, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi xung đột giữa Nga và Ukraine hiện cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt, Nga lại là quốc gia xuất khẩu nguyên liệu nhiên liệu cơ bản.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu