03:03 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Quyết định đúng đắn để không bỏ lại ai phía sau

15:02 26/09/2022

(THPL) – Ước mơ nhiều năm trời của nhiều thế hệ đồng bào thủy cơ sinh sống trên các con sông ở tỉnh Thanh Hóa, đó là khát khao được lên bờ để có mảnh đất “cắm dùi”. Trước ước mơ lớn lao này của 353 hộ đồng bào thủy cơ, mới đây, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đưa ra một Quyết sách đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để một ai bị bỏ lại phía sau.

Tại báo cáo của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số xã, huyện có đồng bào sinh sống trên sông, tính đến ngày 31/8/2022, cả tỉnh hiện có 353 hộ. Trong đó, Thọ Xuân có 81 hộ; Thiệu Hóa có 54 hộ (trong đó có 27 hộ là hộ gốc); Cẩm Thủy có 01 hộ; Vĩnh Lộc có 04 hộ; Thạch Thành 05 hộ; Yên Định 84 hộ. TP Thanh Hóa có 124 hộ.

Trong số 353 hộ dân sinh sống trên sông, có 308 hộ hiện đang đề nghị cấp đất ở. Đến ngày 31/8, thành phố Thanh Hóa và các huyện có đồng bào sinh sống trên sông đã cấp đất ở cho 68 hộ. Đến nay các địa phương đã hoàn thành việc rà soát bố trí được quỹ đất, lập được phương án đầu tư để bố trí tái định cư cho 232 hộ với 242 lô đất cho đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh.

Một làng chài trên sông giữa lòng TP Thanh Hóa.

Theo ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và rất kịp thời, là sự tiếp nối thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để một ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông vẫn chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra; tiến độ thực hiện tại một số địa phương vẫn còn chậm.

Đến nay, vẫn còn 240 hộ chưa được cấp đất ở; còn 273 hộ chưa nhận kinh phí hỗ trợ để làm nhà; có huyện đã được cấp kinh phí hỗ trợ nhưng việc triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ còn chậm so với yêu cầu việc vận động, hỗ trợ kinh phí để các hộ đồng bào nghèo sinh sống trên sông xây dựng nhà ở chưa được quan tâm, chưa tạo thành phong trào rộng lớn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia, nhất là các nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm…

Một làng chài khác trên sông Chu, huyện Thọ Xuân.

Thực hiện Thông báo số 129-TB/TU, ngày 18-4-2022 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc Thông báo kết luận của ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trong tỉnh; UBND huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo rà soát, qua đó thống kê được 81 hộ đang sinh sống trên sông có nhu cầu và đề nghị cấp đất tại 6 xã, thị trấn.

Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân ban hành kế hoạch cấp đất ở và hỗ trợ đồng bào nghèo sinh sống trên sông xây dựng nhà ở, ổn định đời sống trên địa bàn huyện. Mục tiêu phấn đấu trong 2 năm (2022 - 2023), hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo sinh sống trên sông có đủ điều kiện để lên bờ định cư, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, quý III/2022 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà ở cho 33 hộ tại các xã Xuân Tín, Phú Xuân, thị trấn Thọ Xuân; quý IV/2022 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà ở cho 20 hộ tại xã Xuân Hồng, xã Phú Xuân, thị trấn Thọ Xuân; quý II/2023 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà cho 28 hộ tại xã Xuân Lai, Xuân Thiên.

Làng chài trên sông Chu, huyện Thiệu Hóa.

Cùng với cấp đất hỗ trợ làm nhà, huyện Thọ Xuân xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, phối hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho con em các hộ gia đình đã đến tuổi lao động…

Tại huyện Thiệu Hóa, trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Quang Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa cho biết, hiện nay xã Thiệu Vũ đang có 27 hộ trong tổng số 54 hộ đồng bào thủy cơ đang sinh sống trên sông của toàn huyện chưa có đất ở, nhà ở đang đề nghị được cấp đất ở. Hy vọng với chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để một ai bị bỏ lại phía sau của tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, người dân vạn chài sẽ sớm được ổn định cuộc sống và có công ăn, việc làm ngay khi được tái định cư. Mong rằng chính quyền và nhân dân trong xã có đồng bào lên bờ định cư sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ đồng bào sớm ổn định cuộc sống bằng nhiều việc thiết thực hơn nữa, ông Sinh nhấn mạnh.

Làng chài Thọ Xương, huyện Thọ Xuân.

Đối với các hộ dân sinh sống trên sông tại huyện Thiệu Hóa, vào ngày 22/6/2022, UBND tỉnh cũng vừa có Quyết định 2185 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu định cư cho đồng bào sinh sống trên sông chưa có đất ở và dân cư mới Đồng Sau Cách, thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa. Khu đất lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa là khu dân cư mới được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn đô thị. Bao gồm các nhóm nhà ở; công trình công cộng, sinh hoạt cộng đồng; khuôn viên cây xanh, sân chơi, bãi đỗ xe...Diện tích lập quy hoạch khoảng: 1,06 ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 200 đến 250 người.

Người dân làng chài có cuộc sống lay lắt giữa lòng TP Thanh Hóa.

Để việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông đạt hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải nghiêm túc nhìn nhận, phát huy những việc làm tốt, những vấn đề hạn chế; tìm biện pháp khắc phục, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trong 2 năm (2022- 2023) phải hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống. Theo đó, đối với 6 huyện chậm nhất ngày 30/6/2023 phải hoàn thành; TP Thanh Hóa chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đánh giá kết quả việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và kết quả xếp loại hàng năm của từng đồng chí cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Với mục tiêu để đồng bào sinh ống trên sông có đất và nhà để ổn định đời sống, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở sẽ triển khai cấp đất và hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình công giáo sinh sống trên sông 50 triệu đồng để làm nhà.

Để thực hiện hỗ trợ cho 357 hộ dân đồng bào công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống trong giai đoạn 2022 -2023, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị, Ban Dân vận Tỉnh ủy hoàn thiện báo cáo thành báo cáo của Tỉnh ủy. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng chuẩn bị hướng dẫn về trình tự, thủ tục để các huyện thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định chủ trương đầu tư khu tái định cư và trình tự thủ tục cấp đất ở cho đồng bào sinh sống trên sông. Cấp ủy chính quyền địa phương cùng với các chức sắc, chức việc tuyền truyền vận động định hướng để người dân chuyển đổi nghề khi lên bờ và chăm lo học tập của con em mình.

Với quyết định được cho là đúng đắn thể hiện tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ khẩn trương tập trung triển khai, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất xây dựng khu tái định cư và giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; miễn, giảm tiền sử dụng đất ở cho đồng bào nghèo ổn định cuộc sống trên bờ. Đó là một QĐ đúng đắn hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để một ai bị bỏ lại phía sau.

Duy Phúc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu