04:47 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Kêu gọi nhà đầu tư thiết kế dự án cáp treo Pù Luông

22:11 04/12/2023

(THPL) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 4513/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (KBTTNPL) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông, kết nối khu du lịch Cao Sơn.

Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái KBTTNPL.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, KBTTNPL đón được khoảng 15.800 lượt khách du lịch; doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng KBTTNPL; xây dựng hoàn thiện khu hành chính tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn và tập trung phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già; kết nối các điểm du lịch tạo thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 07 tuyến kết nối liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng. Tạo việc làm cho trên 300 người (trực tiếp và gián tiếp) và góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm.

Bình minh trên đỉnh Pù Luông, Thanh Hóa.

Đến năm 2030, đón được khoảng 27.000 lượt khách; doanh thu đạt khoảng 33 tỷ đồng; kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông kết nối khu du lịch Cao Sơn (Thôn Son - Bá - Mười); tập trung đầu tư 3 điểm tham quan, du lịch tại quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông. Kêu gọi, thu hút được ít nhất 3 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch; tạo việc làm cho khoảng 500 lao động (trực tiếp và gián tiếp) trên địa bàn.

Định hướng đến năm 2045, đón được khoảng 50.000 lượt khách du lịch, với tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 85 tỷ đồng. KBTTNPL trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.

Núi đồi nhấp nhô với bản làng bình dị ở Pù Luông.

Đề án đã xây dựng cụ thể các loại hình, sản phẩm du lịch bao gồm: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch khám phá kết hợp học tập, nghiên cứu chuyên đề về hệ sinh thái rừng trên núi đá, đa dạng các loài động, thực vật rừng, môi trường khí hậu, địa hình; du lịch nông nghiệp.Các giải pháp tập trung thực hiện, trong đó chú trọng đến bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; các cơ chế, chính sách; giải pháp nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; đầu tư và liên kết phát triển du lịch...

KBTTNPL tổ chức khai thác và quản lý du lịch theo 3 phương thức: Tự tổ chức; liên doanh, liên kết; cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật. Các hoạt động đầu tư xây dựng và du lịch trong KBTTNPL chấp hành và tuân thủ theo quy định của phát luật về lâm nghiệp, đất đai, quy hoạch, xây dựng, đầu tư…

Thực hiện hiệu quả đề án sẽ góp phần tạo và tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong KBTTNPL; thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương, tạo công việc, chuyển dịch lao động cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu bảo tồn, tăng nguồn thu cho địa phương từ các hoạt động dịch vụ.

Cung cấp các dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa nông sản, thủy sản, mặt hàng truyền thống của địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn từ nông nghiệp hay khai thác tài nguyên rừng truyền thống sang kinh tế dịch vụ, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu