10:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thạch Thất - Hà Nội: Ai phải chịu trách nhiệm trong việc xây biệt thự trên đất nuôi trồng thuỷ sản?

20:39 01/05/2021

(THPL) - Như hai bài viết mà Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật đã đăng tải số trước, việc người dân phản ánh trường hợp một hộ dân xây dựng biệt thự trên đất nuôi trồng thủy sản là có cơ sở. Đáng nói, dường như trong vụ việc này, có sự buông lỏng, làm ngơ, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho cá nhân vi phạm của cán bộ địa phương.

Không kiểm tra và thiếu giám sát

Công trình của hộ ông Cấn Đức Thuận (địa chỉ thôn Thúy Lai, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) được triển khai xây dựng từ cuối năm 2018, đến cuối năm 2020 đã cơ bản xong phần thô, bước vào giai đoạn hoàn thiện. Suốt cả quá trình hơn hai năm, không vấp phải bất cứ sự can thiệp nào từ chính quyền sở tại, mặc dù có đơn thư khiếu nại, tranh chấp. Đây là điều khó chấp nhận.

Công trình xây dựng của hộ ông Cấn Đức Thuận tại thôn Thúy Lai, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội

Thực tế, ngày 18/6/2020 Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất có gửi Chủ tịch UBND xã Phú Kim văn bản số 275/TNMT. Văn bản này nêu rõ: “Qua kiểm tra hiện trạng sử dụng đất thấy, trên thửa đất số 94, tờ 16, bản đồ năm 2001 xã Phú Kim đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào mục đích nuôi trồng thủy sản đang có hành vi xây dựng công trình kiên cố”. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đề nghị Chủ tịch UBND xã Phú Kim xử lý vụ việc theo quy định pháp luật”.

Tìm hiểu về “nguồn cơn” của công văn nêu trên, Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Theo ôngNguyễn Tuấn Chinh - Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất, việc ra văn bản nêu trên xuất phát từ đơn thư tố cáo của một người dân ở thôn Thúy Lai, xã Phú Kim. Phòng Tài nguyên và Môi trường nhận thấy vấn đề xử lý vi phạm trật tự xây dựng là trách nhiệm của UBND xã Phú Kim. Bởi vậy, đến thời điểm hiện tại, phòng cũng không thực hiện công tác kiểm tra đối với trường hợp vi phạm nêu trên.

Về phía UBND xã Phú Kim, ông Cấn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã thừa nhận, cho đến thời điểm hiện tại, xã chưa có bất cứ một biên bản kiểm tra hiện trạng, văn bản xử lý vi phạm hành chính hay báo cáo nào lên UBND huyện Thạch Thất về công trình xây dựng trên một phần đất nuôi trồng thủy sản của hộ ông Cấn Đức Thuận.

Về đoạn ghi âm thể hiện việc trao đổi, thỏa thuận giữa ông Cấn Đức Thuận và cán bộ UBND xã Phú Kim, trong đó có việc cán bộ xã này đồng ý cho gia đình ông xây dựng, nhận trách nhiệm nếu như thanh tra và phòng tài nguyên và môi trường huyện xuống kiểm tra, Chủ tịch UBND xã Phú Kim thừa nhận có trao đổi nhưng chỉ trao đổi liên quan đến công trình giao thông, còn lời nói “đồng ý cho gia đình ông xây dựng, nhận trách nhiệm nếu như thanh tra và phòng tài nguyên và môi trường huyện xuống kiểm tra” không phải cá nhân ông nói.

Qua trao đổi của cán bộ huyện, xã nêu trên có thể nhận thấy vai trò hời hợt, có phần buông lỏng, thiếu trách nhiệm của cán bộ địa phương từ cấp xã lên cấp huyện trong vấn đề vi phạm trật tự xây dựng.

Thiết nghĩ, chính sự hời hợt, có phần buông lỏng và thiếu trách nhiệm này là “điều kiện thuận lợi” để cho sai phạm trên được tồn tại và kéo dài.

Thực tế, công trình xây dựng của hộ ông Cấn Đức Thuận ở thôn Thúy Lai, xã Phú Kim không phải là trường hợp duy nhất ở xã Phú Kim nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung.

 Có nên xử lý người đứng đầu?

Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý trật tự xây dựng được quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có hiệu lực thi hành từ 03/3/2021.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã “Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra “Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đua vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng phải yêu cầu dừng thi công, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định”.

Trước đó, tại TP. Hà Nội, ngày 18/3/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, UBND cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND cấp huyện về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm chính. 

Tại Thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND Thành phố, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai. Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…

Cuối năm 2020, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các quận, huyện thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, giao UBND 7 quận, huyện gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan theo quy định.

Các văn bản chỉ đạo liên tiếp là thế, tuy nhiên, các trường hợp vi phạm mới vẫn cứ diễn ra. Trong khi đó, việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan theo quy định vẫn là điều hi hữu.

Phải chăng, đã đến lúc Thành ủy, UBND TP. Hà Nội phải mạnh tay với những trường hợp cố tình vi phạm; xử lý nghiêm minh với cán bộ, công chức tại các địa bàn “nóng” về vi phạm trật tự xây dựng như Thạch Thất?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu