14:31 ngày 04/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tập trung kiểm soát thị trường hàng Tết trên Facebook, Zalo và Tiktok

14:55 03/12/2024

(THPL) - Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký văn bản 133 ngày 30/11/2024 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Tại văn bản nêu rõ, nhu cầu tiêu dùng của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm soát thị trường hàng Tết trên Facebook, Zalo và Tiktok. Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương tham mưu chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung tại các tuyến biên giới đất liền phía Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ và tại thị trường nội địa các đô thị lớn...

Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Những tháng gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Một trong những vụ điển hình là việc kiểm tra tại Tòa nhà Eco Green, Hà Nội, nơi lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bán chủ yếu qua hình thức livestream trên mạng xã hội. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn vụ vi phạm đang diễn ra hàng ngày trên không gian mạng.

Trước thực trạng đó, các nền tảng thương mại điện tử đã và đang cố gắng thực hiện các biện pháp kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều giao dịch vẫn diễn ra trên các nền tảng chưa được đăng ký, làm gia tăng rủi ro cho người tiêu dùng. Đại diện TikTok Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, trong khi các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép có quy trình quản lý nghiêm ngặt, thì các giao dịch trên mạng xã hội lại không được giám sát tương tự.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết người tiêu dùng hiện vẫn mua hàng trên các website chưa được Bộ Công Thương xác nhận, và phần lớn các trường hợp mua bán hàng giả đều diễn ra qua hình thức giao dịch không chính thức.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, và vi phạm sở hữu trí tuệ đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong thương mại điện tử tại nước ta. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi người tiêu dùng được trang bị kiến thức đầy đủ, và các cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng một môi trường thương mại điện tử an toàn và lành mạnh.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu