05:36 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tăng trưởng kinh tế giảm từ 0,55% - 0,84% do ảnh hưởng của dịch Covid-19

17:56 12/02/2020

(THPL) - Nếu khống chế được dịch trong Quý I-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Và nếu dịch được khống chế trong Quý II-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại phiên họp thường trực Chính phủ diễn ra ngày 12/2, dịch do virus Corona gây ra (Covid-19) ảnh hưởng mạnh tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. 

Theo báo Đại đoàn kết, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất. 

Dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, khách Trung Quốc đến nước ta bình quân 1 quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644 nghìn lượt khách. Với các biện pháp hạn chế tạm thời của ta thì không có khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch.

Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ chuyến. Vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm về sản do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Tăng trưởng kinh tế giảm từ 0,55% - 0,84% do ảnh hưởng của Covid-19 (ảnh minh họa)

Lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, về cơ bản kim nghạch xuất, nhập khẩu giảm. Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I-2020 ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,0 tỷ USD, giảm 13,6%.

Nếu dịch kéo dài, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm theo giá xăng dầu thế giới. Do vậy trong dự báo trong trường hợp dịch kết thúc trong quý I-2020 thì CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%, kết thúc trong quý II-2020 dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.

Theo báo PLO, Bộ KH&ĐT đánh giá dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ nông, lâm ngư nghiệp đến sản xuất công nghiệp, đầu tư, du lịch, vận tải, các ngành dịch vụ, xuất-nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng, lao động, giáo dục. Tính đến 16h50 ngày 8/2/2020, có 57 địa phương cho học sinh nghỉ thêm một tuần (10-16/2), điều này giúp ngăn chặn dịch lây lan nhưng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, sinh viên, nhiều lao động phải nghỉ việc, một số phải làm việc tại nhà để trông con.

Sau khi nhận định tình hình, Bộ KH&ĐT vẫn đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo kịch bản 1: nếu khống chế được dịch trong Quý I-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Theo kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong Quý II-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Như vậy, nếu so với hai kịch bản được Bộ KH&ĐT đưa ra hôm 4-2, thì dự báo tăng trưởng 2020 của Việt Nam tiếp tục được hạ thấp hơn. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 5-2, Bộ KH&ĐT đưa ra dự báo tăng trưởng 2020 của Việt Nam là 6,27% theo kịch bản 1 và 6,09% theo kịch bản 2.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu