11:33 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Spa Sherry Beauty & SkinCare lách luật hoạt động như bệnh viện thẩm mỹ?

08:16 30/11/2019

(THPL) - Thẩm mỹ Sherry Beauty & SkinCare (số 224, đường Cao Đạt, phường 1, quận 5, TP.HCM) vốn dĩ là một spa thông thường nhưng đang được chủ cơ sở “thần thánh hóa” các dịch vụ tại đây, nghiêm trọng hơn cơ sở này còn qua mặt các cơ quan chức năng thực hiện các dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động nhiều năm liền.

Spa hoạt động như một bệnh viện thẩm mỹ

Theo tìm hiểu cơ sở spa Sherry Beauty & SkinCare được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay,  thu hút rất nhiều khách đến làm đẹp. Khách hàng kéo đến đông vì các hoạt động quảng cáo rầm rộ, hấp dẫn. Tuy nhiên, “thượng đế” không hay biết cơ sở thẩm mỹ Sherry Beauty & SkinCare có được phép làm những dịch vụ này hay không?

SHERRY Beauty & SkinCare (số 224, đường Cao Đạt, phường 1, quận 5, TP.HCM)

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đăng ký lần đầu ngày 25/03/2015, được cấp mã ngành nghề: Cắt tóc, làm đầu, gội đầu, trang điểm (trừ các hoạt động gây chảy máu).

Giấy phép đăng ký thì như vậy, nhưng trên mạng xã hội thời gian qua liên tục xuất hiện các quảng cáo về các hoạt động thẩm mỹ xâm lấn cơ thể có tên của spa Sherry Beauty & SkinCare.

Cụ thể, trên fanpage Sherry Beauty & Skincare - Sherry Spa quảng cáo rầm rộ với các dịch vụ như tiêm botox hay filler. Thực hiện liệu trình trẻ hóa da PRP.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, hiện tại trên thế giới và cả Việt Nam việc sử dụng tế bào gốc mới chỉ được áp dụng trong điều trị các bệnh lý như chấn thương gân, viêm dây chằng mãn tính, chấn thương cột sống hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, còn sử dụng trong làm đẹp thì không thấy một tài liệu chính thống nào nhắc đến.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa, cho biết, để thực hiện phương pháp PRP, thì phải sử dụng bơm kim tiêm, bơm trực tiếp vào vùng dưới da. Tuy nhiên, việc tiêm PRP để làm đẹp sẽ gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm trùng nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối.

SHERRY Beauty & SkinCare công khai quảng cáo dịch vụ vượt phép.

Cũng trên trang fanpage này liên tục đăng tải các gói dịch vụ như: Tiêm tan mỡ với lời giới thiệu có cánh CẤY TAN MỠ CỤC BỘ TÂY BAN NHA
1 liệu trình bao trọn không giảm hoàn tiền khách 100%

ƯU ĐIỂM CẤY TIÊM TAN MỠ CỤC BỘ TỪNG VÙNG CÔNG NGHỆ TÂY BAN NHA được kết hợp với máy hút mỡ chân không CaviLipo không xâm lấn của KOREA. Các gói dịch vụ này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Theo quy định pháp luật, dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da (có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm) chỉ được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa, chuyên môn về thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy việc thông tin quảng cáo rằng Sherry Beauty & SkinCare được phép làm dịch vụ PRP, tiêm tan mỡ, tạo hình cằm,… liệu có được phép? Vì sao các hoạt động quảng cáo rầm rộ này không bị ngăn chặn?

Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ việc phẫu thuật thẩm mỹ có xâm lấn cơ thể đã gây ra hệ lụy thương tâm thương tâm cho khách hàng. Liên quan đến hoạt động thẩm mỹ trái phép của các thẩm mỹ viện như thế, nhẹ thì lệch cằm, da bị tổn thương, nặng thì sốc phản vệ, thậm chí mất mạng.

Lảng tránh cung cấp thông tin

Trước thực trạng này, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật điện tử đã đến đặt lịch làm việc tại Sherry Beauty & SkinCare. Tại đây, tiếp phóng viên một người phụ nữ tự xưng là nhân viên đề nghị để lại câu hỏi để gửi cho lãnh đạo. Khi phóng viên đề nghị sắp xếp lịch làm việc cụ thể, người này cho biết chưa thể ấn định được thời gian làm việc cụ thể, bởi vì đây là thời điểm này chủ spa đang đi nước ngoài, quản lý không có tại spa, khi nào chủ về hay quản lý đến sẽ báo lại. Tuy nhiên, người này vẫn cho rằng, cũng không biết đến bao giờ chủ về.

Từ những dấu hiệu trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu Sở Y tế TP.HCM liệu có biết thực trạng quảng cáo, thực hiện dịch vụ làm đẹp bằng máu tự thân PRP, tiêm giảm béo, tạo hình cằm tại Sherry Beauty & SkinCare, để kịp thời tiến hành ngăn chặn, xử lý, tránh tình trạng vi phạm kéo dài và những tai biến nguy hiểm xảy ra.

Theo quy định tại Điểm B, Khoản 6, Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi hành nghề vượt quá giấy phép hoạt động bị xử phạt 50-70 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPHĐ từ 3-6 tháng.

Để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, nhằm xử lý, ngăn chặn dứt điểm tình trạng quảng cáo quá phạm vi chuyên môn của cơ sở Sherry Beauty & SkinCare tránh tạo ra tiền lệ xấu. 

Trần Phượng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu