02:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Số ca F0 tăng mạnh, Hà Nội ra công điện hoả tốc về phòng chống dịch

09:13 25/02/2022

(THPL) - Chiều ngày 24/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, biến thể SARS-CoV-2, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19.

Báo Lao động đưa tin, để kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố; thực hiện thông điệp "5K", hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt phân cấp từ thành phố đến cấp cơ sở với nguyên tắc "4 tại chỗ"; chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Các địa phương thường xuyên cập nhật và thông tin về dịch bệnh, yêu cầu, quy định trong công tác phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố (phát tờ rơi, loa truyền thanh, nhóm zalo, facebook,…). Đặc biệt, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nắm bắt các dấu hiệu nhận biết, quy trình, phương pháp điều trị tại nhà để chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.

Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các quận, huyện, thị xã phân công lực lượng triển khai quyết liệt kế hoạch của UBND thành phố để quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine) và tiếp tục rà soát, trẻ em trong độ tuổi 12-17 và nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà, nhất là tại địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 của ngành Y tế.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Y tế tăng cường tập huấn, bổ sung lực lượng, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; rà soát khả năng đáp ứng, xây dựng phương án đáp ứng cao hơn đối với trường hợp điều trị tại tầng 2, 3; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến thành phố và Trung ương trong phân luồng, chuyển tuyến điều trị bệnh nhân nặng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố.

Tiếp tục rà soát, tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho các trường hợp chưa được tiêm, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người không đi lại được, người yếu thế… Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" và "tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước".

Các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, đúng quy định. Chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

UBND thành phố giao Sở Y tế phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương sàng lọc, giải trình tự gene các ca nhiễm COVID-19; đánh giá mức độ lây nhiễm với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn thành phố thời gian qua, đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cục Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố phối hợp các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dược, sản phẩm, dịch vụ test COVID-19; xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc trục lợi, tăng đột biến giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như sức khỏe của cộng đồng, tránh gây bức xúc trong dư luận.

Theo báo An ninh Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án, hướng dẫn xét nghiệm sàng lọc trong trường học; chỉ đạo việc triển khai đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà trường.

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ giải trí được mở cửa hoạt động.

Công an TP phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động dân cư, tất cả các trường hợp ngoại tỉnh, nhập cảnh từ nước ngoài về làm việc và cư trú trên địa bàn để giám sát, theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống.

Theo báo cáo của Sở Y tế, số ca mắc mới từ 18h ngày 17/2 đến 18h ngày 18/2 tại Hà Nội là 4.549 ca (964 ca cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly). Đây là số mắc cao trong ngày cao nhất từ trước đến nay tại Thủ đô. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 191.547 ca.

Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 23/02 đến 16h ngày 24/02, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 48.179 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-1.868), Hòa Bình (-204), Tuyên Quang (-159). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.445), Bắc Giang (+1.173), TP. Hồ Chí Minh (+1.015).

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu