06:48 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Rau quả Việt Nam còn nhiều tiềm năng tại thị trường EU

18:41 11/10/2022

(THPL) - Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều cơ hội để ngành hàng rau quả đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.

Hiện nay, dung lượng thị trường nhập khẩu hàng rau quả chế biến rất lớn, tuy nhiên, thị phần hàng rau quả chế biến của Việt Nam tại EU rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân là do ngành hàng rau quả chế biến của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường.

EU là thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Nông sản nhập khẩu phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.

Tỷ trọng nhập khẩu hầu hết các chủng loại hàng rau quả chế biến (HS 20) của EU từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đều chiếm tỷ trọng thấp, trong đó chủng loại mã HS 2008 có tỷ trọng cao nhất mới chỉ chiếm 6,3% tổng lượng EU nhập khẩu, tăng 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là chủng loại mã HS 2009 chiếm 2,3%; còn lại các chủng loại khác đều chưa chiếm tới 1%.

Rau quả Việt Nam còn nhiều tiềm năng tại thị trường EU. Ảnh: Internet

Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon. Bởi các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh đang được ưa chuộng tại EU, do người dân khu vực này đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật. Nhưng để thâm nhập được vào thị trường EU, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; cùng với đó doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào công nghệ chế biến.

EU với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người và có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn đối với hàng rau quả. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam (rau quả tươi) chỉ chiếm gần 0,1% tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của EU trong 4 tháng đầu năm 2022, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.

Với Hiệp định EVFTA, các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, đặc biệt với mức cam kết thuế quan được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các thị trường có thế mạnh về hàng rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Indonesia. 

Theo số liệu thống kê, tổng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) trong 9 tháng của năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD và ước đạt trên 558 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước). Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu là trên 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch XNK và trở thành điểm sáng trong XK chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có biến chuyển, chính sách của các nước thị trường XK lớn thay đổi nhanh chóng, những FTA có hiệu lực đi liền với xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan, hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật lao động, bảo vệ môi trường tại nhiều khu vực.

Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật các thay đổi về tiêu chuẩn XK, xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong tương lai để từ đó định hướng chiến lược đầu tư, thay đổi quy trình sản xuất, nghiên cứu đổi mới sản phẩm và nguồn nguyên liệu phù hợp để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của nước NK hàng hóa.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu