14:28 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

Phương Anh (tổng hợp) | 11:44 27/05/2020

(THPL) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, sáng 27/5, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến.

Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 3 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Theo báo Tiền phong, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố, kiện toàn; tại các tỉnh, thành phố đều hình thành đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên.

Sau khi nghe báo cáo giám sát, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận, phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Toàn cảnh kỳ họp (VGP)

Theo báo Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, trong năm qua cùng sự quan tâm của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em như quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư. Các đối tượng xâm hại trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một thực trạng nhức nhối diễn ra nghiêm trọng đó là tình hình xâm hại trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.

Theo đại biểu: “Những con số đau lòng sau đây cho thấy ‘mảng tối’ của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai.

Qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em.

Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức.

Theo đại biểu, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…

Phân tích, làm rõ những nguyên nhân của dẫn tới thực trạng đáng buồn trên, đại biểu đề nghị các cấp các ngành: Đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó.

Trong đó chú trọng lồng ghép nội dung truyền thông trong sinh hoạt của từng địa bàn, từng vùng, từng nơi, nông thôn, tổ dân phố, các phương tiện truyền thông, nhà trường hãy dành thời gian hợp lý để tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là kỹ năng phòng, chống xâm hại.

Đối với gia đình, cần trang bị cho các em biết cách thức phòng vệ những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Trẻ em nếu có sai phạm hãy nâng đỡ, thương yêu, giáo dục, không bạo hành trẻ…

Đối với nhà trường phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh, thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, lo lắng, trầm cảm… đặc biệt tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương; hãy quan tâm chăm sóc, giáo dục, quản lý học sinh, tránh thói hư, tật xấu vi phạm pháp luật, trang mạng internet, trang mạng xã hội cũng cần được quan tâm đúng mức.

Cùng với đó, phải nâng cao hiệu quả công tác điều tra xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh. Vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.

Đối với những người phạm tội cần phải xử lý nghiêm minh kịp thời, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, dành khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các hành vi xâm hại trẻ em… Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị tổ chức chính trị xã hội cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp cần rõ ràng minh bạch.

Quy định trách nhiệm xử lý phải gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp, nếu không, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ là hình thức, không cơ quan, tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm, đại biểu khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Trước hết là, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.

Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường.

Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em, nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục.

Ủy ban nhân dân một số địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi, một bộ phận hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cấp xã. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu