09:18 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phương Anh (tổng hợp) | 10:01 25/05/2020

(THPL) - Sáng ngày 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo đó, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Theo báo Công lý, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 Điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC. Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các Thẩm phán và Nhân dân thì Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ tạo cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại để tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Khi hòa giải, đối thoại không thành thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc theo thủ tục TTDS, TTHC.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do TANDTC xây dựng đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, là giải pháp hữu hiệu và ưu việt của chế định hòa giải, đối thoại; bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận giữa các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV,  cho ý kiến và đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Dự thảo Luật cũng đã tiếp tực được thẩm tra, xem xét cho ý kiến tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Gần đây nhất tại Phiên họp lần thứ 41, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự án Luật này, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9.

Dự thảo Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Nguồn: báo Công lý)

Sau khi thảo luận về Luật Hòa giải, đối thoại Tòa án, tiếp đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Nghị quyết này.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật; cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo báo Sài Gòn giải phóng, đáng lưu ý, theo như chương trình nghị sự tuần này, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Ngày 27/5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày làm việc để thảo luận trực tuyến về nội dung này. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên toàn quốc.

Các ngày làm việc khác trong tuần, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về hàng loạt dự án luật gồm các dự án: Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Có hai dự án luật kinh tế quan trọng sẽ được cơ quan lập pháp xem xét cho ý kiến, là dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Một số nội dung quan trọng khác cũng sẽ được Quốc hội bàn thảo, quyết định, gồm dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tuần làm việc dự kiến kết thúc vào thứ năm, ngày 28/5. Đợt 2 của kỳ họp Quốc hội sẽ họp trực tiếp như thông lệ và bắt đầu vào ngày 8/6, dự kiến bế mạc ngày 18/6.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu