01:51 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Nam: 3 người nhập viện nghi ngộ độc do ăn Pate Minh Chay

10:27 04/09/2020

(THPL) - Tối 3/9, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cho biết bệnh viện đang điều trị cho 3 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn botulinum từ thực phẩm pate Minh Chay.

Ngày 1/9 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân L.T.V.K. (30 tuổi, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), V.T.H. (65 tuổi, trú thị xã Điện Bàn) trong tình trạng mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, yếu cơ. Ngày 2/9, bệnh nhân N.T.N. (15 tuổi, trú TP Hội An) nhập viện trong tình trạng tương tự.

Người nhà các bệnh nhân cho hay, trước đó ngày 27/8, chị V.K. được một sư cô ở xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn cho một hộp pate Minh Chay. Chiều cùng ngày chị V.K làm 2 ổ bánh mỳ có sử dụng pate Minh Chay cho 4 người ăn trong đó có bà H và em N. Ngoài ra chị V. K cũng san hũ pate này ra cho vài người nữa đem về nhà.

Đến trưa 1/9, chị V.K. và bà H. mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, yếu cơ nên đã đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức. Ngày 2/9 bệnh nhân N. T. N cũng nhập viện cấp cứu.

Theo báo Tiền phong, lãnh đạo bệnh viện thông tin, sau 2 ngày điều trị, sức khỏe 3 bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên cần phải theo dõi thêm. Bệnh viện cũng đã báo cáo Sở Y tế Quảng Nam.

Quảng Nam: 3 người nhập viện nghi ngộ độc do ăn Pate Minh Chay (Nguồn: Internet)

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế Quảng Nam, cho biết đơn vị sẽ rà soát số người ở địa phương có mua pate Minh Chay và khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm này.

Ngoài ra, cũng liên quan tới vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (ở tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum khiến một số người bị ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế đã có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu thuốc Botulism Antitoxin (vốn là thuốc hiếm và chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam) để điều trị giải độc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai và tới nay loại thuốc này đã về Việt Nam. Cục Quản lý dược đang tổng hợp nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh, tiếp tục liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới và các hiệp hội, cơ sở sản xuất để tìm nguồn cung thuốc Botulism Antitoxin phục vụ nhu cầu điều trị khi có trường hợp nhiễm độc.

Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium Botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng không thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân của loại ngộ độc này thường xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới sự xuất hiện của số loại vi khuẩn, phát triển và sinh độc tố gây bệnh, như vi khuẩn Clostridium Botulinum - còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp).

Độc tố Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh nhưng nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín. Sau khi ăn, độc tố Botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ. Biểu hiện của ngộ độc sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ, và bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt từ vùng đầu, mặt, cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới 2 chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở).

“Vấn đề khó khăn là trong chẩn đoán, phát hiện bệnh nhân là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc Tetrodotoxin (cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ… nên rất dễ nhầm”, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ. Khi bệnh nhân bị liệt cơ cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu là giải độc Botulinum. Thuốc nên được dùng càng sớm càng tốt, giúp giảm nhẹ, rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm viện và giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là loại ngộ độc xảy ra không thường xuyên nên rất ít công ty sản xuất và cung cấp thuốc, dẫn tới nguồn cung trên thị trường rất hiếm.

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium Botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí, trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo. Do đó, mọi người cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công nhận tiêu chuẩn an toàn chất lượng; thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp) trong thời gian kéo dài và không đông đá; ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín vì nấu chín sẽ phá hủy độc tố Botulinum.

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu