23:49 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phú Thọ: Mưa lũ khiến 9 người thương vong, nhiều nơi bị cô lập

Tố Như (TH) | 21:39 27/09/2020

(THPL) - Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Phú Thọ có 2 người chết do sạt lở taluy đất, 7 người bị thương do sạt lở taluy làm đổ tường nhà; có 6 nhà bị đổ sập, 18 nhà bị ảnh hưởng từ 50-70%; 37 nhà bị ngập nước.

Báo Nông nghiệp đưa tin, do ảnh hưởng của mưa lớn vào đêm 26, rạng sáng 27/9, một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như Cẩm Khê, Yên Lập, Tam Nông... đã xảy ra ngập úng.

Theo báo cáo nhanh của huyện Hạ Hoà, tính đến 9h sáng 27/9, thiệt hại do mưa lớn vào tối 26, rạng sáng ngày 27/9 gây ra sạt lở đất đã khiến 2 người tử vong. Ngoài ra, mưa lũ làm sạt sở nhiều taluy khiến 7 người tại các xã: Ấm Hạ, Yên Kỳ, Vĩnh Chân, Gia Điền bị thương; 14 nhà dân bị hư hại, nhiều tuyến đường bị chia cắt, giao thông ùn tắc, nhiều thôn, xã bị cô lập và nhiều diện tích ao, hoa màu bị ngập úng.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập. (ảnh: báo Phú Thọ)

Ngay sau khi xảy ra mưa lớn, các lực lượng chức năng ở tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn, di dời người dân đến nơi an toàn, tập trung khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Ban Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn vùng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện Hạ Hòa huy động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khẩn trương di dời nhân dân đến nơi an toàn.

Thông tin trên báo Phú Thọ, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 2 người chết do sạt lở taluy đất, 7 người bị thương do sạt lở taluy làm đổ tường nhà; có 6 nhà bị đổ sập, 18 nhà bị ảnh hưởng từ 50-70%; 37 nhà bị ngập nước.Về nông nghiệp, trên 580ha lúa và hoa màu bị ngập; trên 2.400 con gia cầm bị thiệt hại; trên 300ha ao nuôi thủy sản bị ngập. Mưa lớn còn khiến 22 điểm đường giao thông nông thôn bị sạt lở với khối lượng khoảng 12.500m3; nhiều đoạn bị sạt lở taluy dương; sập 3 cầu dân sinh; trên 1.800m tường rào đổ, đổ 12 cột điện…

Sạt lở ở Quốc lộ 2D qua huyện Hạ Hoà. (ảnh: báo Phú Thọ)

Hạ Hòa là huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lớn khiến 2 người tại xã Ấm Hạ tử vong, 7 người bị thương, 16 nhà bị thiệt hại về nhà ở. Ông Trần Văn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện đã yêu cầu các cơ quan liên quan, địa phương thực hiện rà soát, thống kê thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ tập trung khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra để sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân. Đồng thời tổ chức thăm hỏi đối với các gia đình có người bị nạn, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho các hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, nhanh chóng ổn định tư tưởng cho bà con. Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện đang tiếp tục kiểm tra các điểm đê xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở cao; yêu cầu các xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; chuẩn bị đầy đủ các phương án trong tình huống khẩn cấp; vận động, tuyên truyền người dân chủ động phương án di dời người và tài sản trong trường hợp tiếp tục xảy ra mưa lớn, nhất là các hộ sát với chân đồi, taluy.

Cẩm Khê là huyện cũng chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai với 23 nhà ngập nước dưới 1m, trên 130ha rau màu bị ngập, 200 con gia cầm bị chết, 1 đập dâng bị vỡ, 200m đường giao thông liên xóm bị sạt lở, 255 ha thủy sản bị ngập; ước thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng. Ngay trong buổi sáng, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cùng các phòng, ban chức năng xuống ngay cơ sở chỉ đạo các xã triển khai kiểm tra toàn bộ hồ đập, cống và chỉ đạo xả các tràn của hồ đập, các cống để đảm bảo an toàn, chỉ đạo nhân dân chuẩn bị các loại giống rau màu khi nước rút để tiếp tục gieo trồng kịp thời vụ đông.

Đối với sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, các địa phương đánh giá, rà soát và triển khai các giải pháp khắc phục. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân tiến hành thu hoạch lúa mùa khẩn trương nhằm giảm thiểu thiệt hại. Một số diện tích rau màu vụ đông bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, thực hiện chống úng, tiêu thoát nước. Đồng thời hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng, với ngô và rau màu có khả năng hồi phục, thực hiện chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật. Với diện tích bị dập nát, gãy đổ không có khả năng hồi phục, tận dụng đất, tranh thủ thời vụ để gieo trồng bổ sung các loại rau màu khác và đảm bảo cơ cấu các loại rau hợp lý.

Tố Như (TH)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu