14:46 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

PHÁT HIỆN NÓNG: Nhiều hồ sơ thuyết minh dự án nhà máy điện có nội dung…trùng nhau!

08:45 04/03/2019

(THPL) - Để được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, UBND tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Khánh Hòa đã có văn bản kèm hồ sơ thuyết minh dự án gửi Bộ Công thương để lấy ý kiến các bộ, ngành chuyên môn. Tuy nhiên, theo phát hiện của PV Thương hiệu và Pháp luật, nhiều hồ sơ thuyết minh dự án mà Bộ Công thương đã và đang lấy ý kiến các cơ quan tuy khác nhau về vị trí địa lý song nội dung lại có chỗ trùng nhau đến từng câu chữ!

Từ ngày 28/2/2019 trở về trước, một trong những căn cứ quan trọng khi lập hồ sơ thuyết minh dự án nhà máy điện gió chính là Thông tư số 32/2012/TT-BCT ngày 12/11/2012 về Quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió; Còn lập hồ sơ thuyết minh dự án nhà máy điện mặt trời là Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 về việc Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Căn cứ vào các Thông tư trên có thể thấy hồ sơ thuyết minh dự án được lập dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế, và mang tính chất dự báo và tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch. Là công trình khoa học nên các hồ sơ phải chứa đựng các thông tin như: sự cần thiết phải đầu tư xây dựng dự án, các điều kiện thuận lợi và khó khăn, chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia (nếu có); vị trí, quy mô, diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình thuộc dự án; các nội dung về quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương; sơ bộ các giải pháp thực hiện, phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất, phương án đấu nối, phương án lắp đặt thiết bị, tiến độ thực hiện và hình thức quản lý dự án; đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng cháy, chữa cháy và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng; phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính, hiệu quả xã hội của dự án;…

Nhiều hồ sơ thuyết minh dự án điện có dấu hiệu sao chép

Tuy nhiên, theo kết quả thống kê của PV Thương hiệu và Pháp luật, trong khoảng 15 hồ sơ thuyết minh thì có đến 10 hồ sơ có dấu hiệu sao chép, nhiều trang giống nhau đến từng câu chữ, thậm chí “lỗi”… cũng giống nhau!

Cụ thể như tại tỉnh Bạc Liêu: Dự án Cụm nhà máy điện gió Hòa Bình 1 – GĐ2, Hòa Bình 2, Hòa Bình – Minh Dương, Đông Hải 1 – GĐ2, Cụm dự án Đông Hảo 3, Kosy Đông Hải (lập vào tháng 1/2019) nhà đầu tư gồm 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Năng lượng Bắc Phương, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư điện gió Hòa Bình; Dự án Cụm nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu 1,2,3,4 (lập vào tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kosy, người đại diện là ông Nguyễn Việt Cường. Hồ sơ thuyết minh của các dự án này có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ!

Không chỉ có vậy, tại Cà Mau, các hồ sơ: Dự án Nhà máy điện gió Tân Hải (lập vào tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông. Hồ sơ thuyết minh của các dự án này có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ!

Ngoài ra, một số dự án nhà máy tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh dù là các địa phương khác nhau nhưng hồ sơ thuyết minh của các dự án này có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ, như: Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Tân Hòa Hà Đô (lập tháng 10/2017), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông; Dự án Nhà máy điện mặt trời VPE Ninh Hòa – Khánh Hòa (lập tháng 3/2018), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng sạch Vân Phong, người đại diện là ông Vũ Văn Hải; Dự án Nhà máy nhiệt điện Bắc Ái 14 (lập tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông.

Như thống kê ở trên thì, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô có hồ sơ thuyết minh mang dấu hiệu sao chép nhiều nhất. Và, điều bất ngờ là những bản thuyết minh này đều do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) - cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và điện lực tư vấn, có con dấu, chữ ký của Viện trưởng Hoàng Tiến Dũng và ký nháy của các thành viên phòng chuyên môn.  

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao bản thuyết minh lại có hiện tượng giống từng trang, từng câu chữ như vậy? Nội dung của những hồ sơ thuyết minh này có gì đáng chú ý? Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương, người ký văn bản và chuyển các bộ hồ sơ thuyết minh này đến các bộ, ngành để lấy ý kiến liệu có biết hiện tượng này? Liệu rằng, Chính phủ có chấp nhận cách lập hồ sơ thuyết minh dự án theo kiểu này cũng như công nhận các hồ sơ thuyết minh dự án vừa nêu?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ phân tích về những điểm tương đồng ở các bản thuyết minh trong bài viết tiếp theo!

VĂN NGHĨA

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu