12:24 ngày 27/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Phát hiện ‘cá Ông’ lụy bờ, người dân mai táng chu đáo

15:30 14/03/2017

[THPL] - Chú “cá Ông” chết trôi dạt vào đảo Ngư (Nghệ An) đã được người dân địa phương mai táng theo phong tục truyền thống.

Anh Nguyễn Văn Công cho biết, chú cá voi đã chết nặng khoảng 8kg, toàn thân màu đen óng, phần đầu và đuôi đã bị bóc da, có vẻ như đã chết cách đây được ít ngày. Ngay lập tức, vợ chồng anh đánh thuyền về bờ và nhờ mọi người trong xóm hỗ trợ việc mai táng cho chú cá voi xấu số.

Cá Ông chết trôi dạt vào đảo Ngư được người dân phát hiện nặng gần 8kg.

Trong 30 năm đi biển, đây cũng là lần đầu tiên vợ chồng anh Công gặp được cá Ông lụy bờ.

Theo tín ngưỡng của những ngư dân địa phương, cá Ông được ngư dân tôn thờ và xem như thần Nam Hải. Việc ngư dân Xuân Lộc phát hiện cá Ông lụy bờ được ngư dân cho là tín hiệu đem lại điều may mắn khi hành nghề đánh bắt cá trên biển và trong cuộc sống cho người dân vùng này.

Vợ chồng anh Công (chít khăn tang màu đỏ) là người để tang cá Ông trong 2 năm.
Ngư dân xóm Xuân Lộc thắp hương tại mộ cá Ông.

Riêng người phát hiện cá Ông lụy bờ, gia đình đó sẽ để tang cá Ông trong thời gian 2 năm.

Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn, tục gọi là "ông lụy" thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Hàng năm dân làng chọn ngày "ông lụy" (ngày cá Ông trôi vào bờ) làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu: "Thấy ông vào làng như vàng vào tủ" vì theo tín ngưỡng này, Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.

Ba bốn năm sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về làng thờ. Với trường hợp cá nhỏ, người ta sẽ cho trực tiếp vào hòm và đem về thờ. Khi tế cá thì dân làng cũng cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển. Tế xong thì có các mục mua vui như hát "chèo ghe", đua thuyền thúng, kéo co, hát tuồng cùng các trò khác.

Điển hình là lễ Cầu Ngư, hay còn gọi lễ tế cá Ông, ở làng Mân Thái thuộc Đà Nẵng. Hằng năm làng tổ chức tế vào Tháng Ba âm lịch. Ba năm thì có đại tế một lần. Ở Bến Tre thì gọi lễ Nghinh Ông, tế vào Tháng Sáu.

Ngoài ra khi dân chài ra khơi họ cũng thường thắp nhang vái Ông phù trợ.

Thạch Quỳnh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu