07:33 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước

Mạnh Nghiệp (T/h) | 20:02 25/09/2020

(THPL) - Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX đã bầu một lần đủ 53 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu theo quy định.

Sau ba ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, chiều 25/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc.

Đại hội đã bầu một lần đủ 53 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu theo quy định (tái cử 39 người, tham gia lần đầu 14 người; tỷ lệ cán bộ nữ trên 11%, cán bộ trẻ trên 10%). Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã bầu một lần đủ 15 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025 (5 người tham gia lần đầu, 1 cán bộ nữ).

Ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX tái cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Lê Quốc Chỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 10 người. Ông Nguyễn Mạnh Hiền tái cử Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu 22 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội cũng thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2020-2025; trong đó xác định: Phấn đấu đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Đại hội đặt mục tiêu, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng; hộ nghèo giảm xuống dưới 0,15%. Có 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Báo Lao động

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên... 

Nam Định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao; khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển, hình thành đô thị Rạng Đông-Thịnh Long và khu kinh tế biển Nghĩa Hưng thành trung tâm sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của miền Bắc. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Tỉnh tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày một hiện đại. Địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, bảo vệ, cải thiện môi trường; đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư...

Tại Đại hội, dựa vào tình hình thực tế của đất nước, địa phương, với tinh thần nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hầu hết các ý kiến nhất trí với đánh giá tổng quát về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011); 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2021-2025, một số ý kiến đề nghị, bổ sung, làm rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là quyền sử dụng đất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các ý kiến đồng tình với chủ trương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước song đề nghị bổ sung giải pháp, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí.

Mạnh Nghiệp (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu