10:58 ngày 27/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ An: Ồ ạt trồng cây nghệ, nông dân thất thu vì giá quá thấp

Tuấn Anh (tổng hợp) | 10:59 25/12/2018

(THPL) - Bắt đầu vào vụ thu hoạch nghệ nhưng hầu hết người trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều lo lắng bởi giá nghệ xuống quá thấp.

Theo báo Nghệ An, ông Lê Đình Tâm, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) cho biết: Năm 2018, trên địa bàn chỉ còn hơn 10 ha. Hiện nay một số gia đình bắt đầu thu hoạch những diện tích nghệ lai, nhưng giá bán chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, còn giống nghệ răm (củ nhỏ) ra Giêng mới thu hoạch. Tuy nhiên với đà này, năm nay giá nghệ sẽ giảm mạnh.

Huyện Tân Kỳ là địa phương có nhiều thuận lợi để trồng nghệ ở vùng đất ven đồi. Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, diện tích nghệ toàn huyện hiện có khoảng 100 ha. Nguyên nhân diện tích nghệ của địa phương nhiều là do từ năm 2016 về trước, giá nghệ củ cao nên bà con đổ xô trồng nghệ, trong khi đó huyện không có quy hoạch diện tích trồng nghệ.

Bà Huệ Sơn ở xóm Cửa Đền, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ không muốn thu hoạch nghệ vì giá quá thấp. (Ảnh: Xuân Hoàng/báo Nghệ An)

Cuối năm 2016, khi giá nghệ tươi đang cao, từ 10.000 - 13.000 đồng/kg, gia đình anh Lê Văn Thứ ở xóm 2, xã Văn Thành (Yên Thành) đầu tư trồng 5 sào nghệ.Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, giá nghệ tại đây đột ngột giảm giá xuống chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Thấy vậy, gia đình anh Thứ không thu hoạch, tiếp tục chăm sóc thêm 1 năm nữa, mong giá nghệ tăng trở lại. Nào ngờ, khi anh Thứ quyết định thu hoạch nghệ thì các cơ sở chế biến tinh bột nghệ trên địa bàn tỉnh trả với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Mặc dù giá rất thấp nhưng anh vẫn chấp nhận thuê nhân công thu hoạch nghệ, vì sợ rằng, càng đến ngày thu hoạch nghệ chính vụ giá rẻ hơn.

Gia đình bà Huệ Sơn ở xóm Cửa Đền, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) có gần 1 ha nghệ được trồng từ đầu năm 2018. Đứng trước vườn nghệ bắt đầu rụ lá, bà Huệ buồn bã: Khi bộ lá của cây nghệ rụ xuống là thu hoạch được, nhưng năm nay khách mua nghệ trả với giá rất thấp, 4.000 đồng/kg nên bà chưa muốn bán.

Không những huyện Tân Kỳ, mà nông dân các địa phương khác cũng đổ xô trồng nghệ từ đầu năm 2018. Như huyện Yên Thành hiện có khoảng 50 ha nghệ, huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, thị xã Thái Hòa… cũng trồng khá nhiều. Mặc dù người dân đua nhau mua máy chế biến tinh bột nghệ nhưng giá nghệ củ vẫn xuống thấp, khó tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt BVTV cho biết, tỉnh không có quy hoạch diện tích trồng nghệ, nhưng do trước đây nghệ củ được thu mua với giá cao để chế biến thành tinh bột nghệ, nên bà con nông dân đua nhau trồng. Nhiều nơi bà con sử dụng đất đồi, kể cả tận dụng đất vườn nhà để trồng dẫn đến tình trạng ế thừa. Không thống kê được con số chính xác, nhưng toàn tỉnh hiện ước khoảng 500 - 700 ha nghệ.

“Trước thực trạng đó, bà con nông dân cần cân nhắc, không nên đua nhau trồng nghệ, dẫn đến tình trạng “cung vượt quá cầu”, lãng phí đất và công đầu tư, chăm sóc” - ông Nguyễn Tiến Đức khuyến cáo.

Trước đó, báo Dân trí đưa tin, dù đã quá thời gian thu hoạch nhưng hàng trăm diện tích nghệ trên địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Pưh (Gia Lai) không có thương lái đến thu mua. Nhiều hộ dân “dở khóc, dở cười” khi vì đào nghệ lên thì không bán được, mà để nghệ dưới đất lâu ngày cũng thối nát.

Ông Lê Quang Vang – Phó chủ tịch xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) cho biết: "Từ khi tiêu chết, đất trống nhiều nên nông dân họ chuyển qua trồng nghệ theo phong trào tự phát. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Ia Blứ có khoảng gần 100 ha nghệ của các hộ dân. Hiện tại trên địa bàn vẫn chưa thấy ai vào thu mua, vấn đề này bên xã đã liên hệ với công ty dưới TP.Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho bà con nhưng họ vẫn chưa phản hồi…”.

Theo ông Nguyễn Long Khánh - Phó phòng nông nghiệp huyện Chư Pưh cho biết: “Việc triển khai trồng nghệ ở huyện mới diễn ra từ đầu năm 2017. Do có một số người dân sang bên Đăk Lăk về thấy bên đó trồng hiệu quả nên về ồ ạt trồng. Trên địa bàn huyện chưa có quy hoạch để trồng cây nghệ. Đây là dân họ trồng tự phát. Hiện nay, phòng cũng đã triển khai mở nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền. Đồng thời cũng khuyến cáo nông dân nên liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác xã gắn với sản xuất cây trồng, liên kết được với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra. Ngoài ra, phải có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị của các công ty...”.

Tương tự, trên địa bàn huyện Chư Sê cũng có khoảng hơn 200 ha nghệ chuẩn bị thu hoạch, tuy nhiên vẫn chưa thấy ai hỏi mua. Việc nhiều hộ dân trồng nghệ ồ ạt, tự phát và không theo quy hoạch như hiện nay, có thể dễ dẫn tới vỡ nợ khi bỏ hàng chục triệu đồng để mua giống, phân tro chăm sóc mà không thể bán được sản phẩm.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu