00:05 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu nông sản Việt và bài toán số hóa trong truy xuất nguồn gốc

13:24 07/03/2023

(THPL) - Số hóa trong truy xuất nguồn gốc là việc làm cấp bách giúp nông sản Việt nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó cần có sự tuyên truyền sâu rộng đến mỗi người nông dân, doanh nghiệp nhằm từng bước chuyển đổi về nhận thức.

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên, thành tựu song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc. Vì vậy truy xuất nguồn gốc là một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Liên quan đến truy xuất nguồn gốc, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho biết, hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Nông sản Việt và bài toán số hóa trong truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh hoạ

Thực tế, việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay vẫn đang là bài toán còn rất nhiều khó khăn do các yếu tố về bước đi, nguồn lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,… Do đó, để thúc đẩy quá trình này, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần tạo thành những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn. Đây là vấn đề rất quan trọng. Đồng thời, bà Thực cũng cho rằng, về phía Nhà nước cần mở hướng để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực số hóa.

Cũng liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Theo ông Toản, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện cho quá trình này. Đồng thời, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. Trước khi chuyển đổi số, chúng ta phải chuyển đổi vật lý, các quy trình phải đầy đủ, phải xếp vào đúng ngăn đúng chỗ và sau đó công nghệ sẽ giải quyết bài toàn sắp đặt, vận hành.

Bên cạnh một số vướng mắc, việc số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm góp phần mang lại nhiều giá trị. Theo các chuyên gia, công tác này giúp minh bạch thông tin, giúp hội nhập dễ dàng hơn thông qua việc ứng dụng công cụ số hiện đại, tích hợp các nền tảng giúp chuỗi cung ứng liên kết dễ dàng, đa dạng hình thức (ảnh, video, định vị, bảng biểu báo cáo tự động,…). Cạnh đó, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp nhờ có nhiều công cụ hỗ trợ tích hợp việc truy xuất nguồn gốc, tạo thành trang web quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, giúp tiết giảm chi phí do ứng dụng số hóa cho phép làm mọi việc trên điện thoại thông minh, mọi lúc, mọi nơi, giảm đáng kể chi phí, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo thống kê, hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ NN&PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/. Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu