05:19 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nới room tín dụng - Liều thuốc giúp phục hồi nền kinh tế

Tuấn Minh (t/h) | 15:25 08/09/2022

(THPL) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông báo đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Trong 1 - 2 ngày tới, sẽ tiếp tục tăng cho các ngân hàng đủ điều kiện và thông báo tới từng nhà băng.

Theo Zing.vn đưa tin, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết đã nhận được thông báo hạn mức tăng trưởng mới từ NHNN. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cho biết chưa thể đưa ra con số cụ thể vì vấn đề bí mật kinh doanh.

Cũng theo thông tin mới được NHNN đưa ra, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Cơ quan quản lý tiền tệ đánh giá mức tăng này phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.

Trong đó, cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.

Trước đó, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại theo định hướng tăng trưởng toàn hệ thống khoảng 14%. Mức tăng trưởng này cũng được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã chỉ đạo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại trên cơ sở đánh giá kết quả xếp hạng từng đơn vị theo Thông tư 52/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như đơn vị tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn trong thời gian "chạy nước rút" cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Ảnh minh hoạ

Theo báo VTC News, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) nói, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất thiếu vốn vì ngân hàng siết chặt tín dụng do đã sử dụng hết hạn mức được NHNN giao.

“Thông tin NHNN sắp nới “room” tín dụng cho ngân hàng sẽ tác động rất tích cực tới doanh nghiệp. Việc dễ vay vốn hơn sẽ giúp doanh nghiệp sớm có kế hoạch tăng tốc sản xuất, kinh doanh, từ đó khôi phục tốt hơn sau đại dịch. Nếu không có vốn thì muốn làm việc gì cũng khó", ông Phục nói.

Ông Phục bày tỏ sự đồng tình hoàn toàn với quyết định của NHNN. Theo ông, thời gian qua, khi các ngân hàng cạn room tín dụng, doanh nghiệp đã rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là phá sản. Thời điểm cuối năm, để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, doanh nghiệp càng cần nhiều vốn hơn, trong đó một phần lớn là vay từ ngân hàng.

“Tôi hy vọng, việc nới “room” tín dụng tới đây sẽ giúp cho các doanh nghiệp đang "đói" vốn sẽ hoạt động trơn tru hơn", ông Phục nói.

Không chỉ doanh nghiệp mà các chuyên gia cũng cho rằng việc nới room tín dụng cho ngân hàng là cần thiết phải làm ngay vì đó là "liều thuốc" để phục hồi nền kinh tế.

"Cả nền kinh tế Việt Nam hiện đang cần tín dụng. Do đó, việc nới room tín dụng là điều cần thiết và hết sức quan trọng", chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

“Tuy nhiên, vai trò của NHNN là kiểm soát lạm phát, nếu việc nới room tín dụng một cách đại trà, thiếu kiểm soát sẽ làm tăng lạm phát lên. Do đó, NHNN thực hiện nới room tín dụng một cách thận trọng, có suy xét kỹ lưỡng là điều đúng đắn”, ông Hiếu nói thêm.

Theo TTXVN đưa tin, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho hay trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đứng trước việc vừa ổn định hệ thống, vừa kiểm soát lạm phát nên chịu nhiều áp lực. Việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào thời điểm này là phù hợp, đáp ứng nhu cầu vay vốn thời điểm cuối năm của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng nhà băng đã có sự đổi mới. Ngân hàng Nhà nước không phân bổ đồng hạn mức tăng trưởng tín dụng như trước đây mà có những tiêu chí rõ ràng, cái nào ưu tiên và cái nào là điểm trừ.

Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên đánh giá rất ổn định nhưng cũng linh hoạt và nhận được đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay.

Giáo sư tiến sỹ Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế nhận định việc Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thể hiện sự chủ động và kịp thời trong việc mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dung của người dân. Tiêu chí phân bổ tín dụng đã rõ ràng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện một cách kiên định tuy nhiên rất chủ động và linh hoạt.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, về cơ bản tỷ lệ tín dụng được mở bám sát với tình hình thị trường, lạm phát. Doanh nghiệp cũng như ngân hàng mong đợi được bổ sung tín dụng cho những tháng cuối năm là cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, lạm phát tương đối được kiểm soát, khả năng trong năm 2022 khoảng 4%.

Ông Lực cũng dự báo tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 cao hơn kế hoạch đặt ra đầu năm, trên mức 7%, ở kịch bản tích cực có thể lên 7,3%-7,6%. Vì thế, việc cấp thêm hạn mức tín dụng để cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế sẽ một phần hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế vào những tháng cuối năm tích cực hơn.

Các chuyên gia cũng nhận định, quyết định nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu