15:21 ngày 20/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nissan và Honda chuẩn bị sáp nhập: Thương vụ lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô

07:53 20/12/2024

(THPL) - Hai tập đoàn ô tô lớn của Nhật Bản là Nissan và Honda đang tiến hành các bước đàm phán để thành lập một công ty mẹ chung. Động thái này nhằm giúp hai bên chia sẻ nguồn lực và đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu hiện nay.

Nissan được thành lập vào năm 1934 bởi Yoshisuke Aikawa, một nhà sáng lập ít tên tuổi đã biến công ty thành một tập đoàn lớn trước Thế chiến II thông qua hàng loạt thương vụ sáp nhập và niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Trong khi đó Soichiro Honda, nhà sáng lập Honda vào năm 1948 thì lại ưa thích phát triển ô tô một mình, căm ghét những liên minh hay liên doanh, coi việc thu mua sáp nhập (M&A) những doanh nghiệp khác chỉ khiến hoạt động sản xuất chậm lại.

Thương vụ lớn nhất lịch sử ngành ô tô?

Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản đang bị tấn công bởi các loại xe điện giá rẻ và sang trọng của Trung Quốc và những mối đe dọa ngày càng tăng về thuế quan đối với hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nơi mức chiết khấu khủng khiếp đã làm xói mòn lợi nhuận cho tất cả các nhà sản xuất, trừ những nhà sản xuất lớn nhất. Thông tin về việc Honda và Nissan đàm phán sáp nhập đã thu hút sự chú ý lớn của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Theo Nikkei Asia, Mitsubishi Motors - nơi Nissan đang nắm giữ 24% cổ phần cũng có khả năng sáp nhập vào công ty mẹ này. Nếu việc hợp nhất trên trở thành sự thật, thỏa thuận này có thể trở thành thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành ô tô kể từ khi Fiat Chrysler sáp nhập với PSA để tạo ra Stellantis vào năm 2021.

Khi đó, liên minh Nissan-Honda-Mitsubishi sẽ đạt tổng doanh số hơn 8 triệu xe mỗi năm, trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Toyota (11,2 triệu xe vào năm 2023) và Volkswagen (9,2 triệu xe).

Hai thương hiệu ô tô của Nhật Bản là Honda và Nissan liên tục tăng cường hợp tác từ đầu năm và hiện đang đứng trước một thương vụ sáp nhập. Ảnh: Tiền phong

Vụ sáp nhập của Honda và Nissan (và có thể cả Mitsubishi) sẽ chia ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản thành hai phe lớn. Phe đối trọng còn lại dẫn đầu bởi Toyota - nhà sản xuất đang liên kết với Daihatsu, Suzuki, Subaru, Mazda và Hino Motors.

Honda và Nissan đã đạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xe điện

Trước đó, vào tháng 3/2024, Honda và Nissan đã đạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xe điện. Tới tháng 8, hai hãng tiếp tục thắt chặt mối quan hệ bằng cách đồng ý cùng phát triển công nghệ như pin, hệ thống truyền động (e-axles) và các công nghệ liên quan khác.

Thỏa thuận sáp nhập được kỳ vọng sẽ giúp Honda và Nissan có nhiều nguồn lực hơn để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ, đặc biệt là trong mảng xe điện. Nissan từng là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực này vào những năm 2010 nhưng đang bị tụt lại trước sự vươn lên mạnh mẽ của Tesla và các hãng xe Trung Quốc.

Trong bối cảnh doanh số xe điện ngày càng tăng cao, đặc biệt tại Trung Quốc - nơi chiếm gần 70% doanh số toàn cầu vào tháng 11, cả Honda và Nissan đều phải đối mặt với những thách thức lớn. Hai hãng đều đang chịu áp lực từ các đối thủ như BYD của Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện khác.

Bên cạnh đó, Nissan còn đối mặt với bất ổn từ nội bộ, đặc biệt sau vụ việc cựu CEO Carlos Ghosn bị bắt giữ vì nghi ngờ sai phạm tài chính vào năm 2018. Vụ việc này không chỉ làm lung lay vị thế của Nissan mà còn phá vỡ liên minh mạnh mẽ giữa Nissan, Renault và Mitsubishi - từng là đối tác ô tô lớn nhất thế giới.

Ông Makoto Uchida (bên trái), CEO Nissan Motor, bắt tay CEO Honda Motor, ông Toshihiro Mibe tại 1 buổi họp báo tại Tokyo ngày 1/8/2024. Ảnh: Getty Images

Về phần Honda, hãng này đang đẩy mạnh phát triển xe hybrid song song với việc tăng cường đầu tư vào sản xuất xe điện. Tháng 5/2024, Honda đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi khoản đầu tư vào xe điện lên 65 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời đặt ra mục tiêu chuyển 100% sản phẩm của mình thành xe điện từ năm 2040.

Tư duy về sự hợp nhất ở Nhật Bản đang thay đổi 

Takeshi Niinami, chủ tịch Hiệp hội Giám đốc điều hành doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết tư duy về sự hợp nhất ở Nhật Bản đang thay đổi khi đất nước bước vào kỷ nguyên lạm phát mới sau ba thập kỷ đình lạm.

Cụ thể, Nissan là một ví dụ về cách các thương hiệu Nhật Bản tụt hạng trên thị trường toàn cầu. Năm 2013, công ty này là nhà sản xuất ô tô lớn thứ sáu trên thế giới, bán được 4,9 triệu xe. Năm nay, công ty chỉ kỳ vọng bán được 3 triệu xe và đã chịu thiệt hại tại thị trường Hoa Kỳ do thiếu các sản phẩm hybrid, vốn đã tăng vọt về nhu cầu.

Honda cũng đã mất dần thị phần trong thời gian đó, từ 4,3 triệu ô tô của một thập kỷ trước xuống còn 3,8 triệu ô tô dự kiến ​​trong năm nay.

Ngược lại, các đối thủ Trung Quốc như BYD đã phát triển thành một trong những thương hiệu bán chạy nhất thế giới nhờ đầu tư sớm vào công nghệ xe điện và quy mô kinh tế lớn.

Ngành công nghiệp này vẫn phải đối mặt với chi phí đầu tư lớn hơn cho công nghệ pin và phần mềm - những lĩnh vực mà các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc, vốn được hưởng lợi từ nhiều năm hỗ trợ của chính phủ đối với nghiên cứu kỹ thuật và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu cho các nguồn lực quan trọng, có lợi thế hơn so với chuyên môn về động cơ truyền thống của các đối thủ Nhật Bản.

Jeff Hutchins, giám đốc cổ phiếu Nhật Bản tại Jefferies, cho biết Nhật Bản đang trong giai đoạn đầu của sự gia tăng lớn trong nhiều năm về hoạt động của công ty và cải thiện hiệu quả vốn. Điều này sẽ được dẫn dắt bởi hoạt động M&A và được thúc đẩy bởi áp lực ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.

Ông cho biết: “Hoa Kỳ và Đức đã chỉ ra chiến lược hợp nhất ngành ô tô, giờ đến lượt Nhật Bản noi theo”.

Chuyên gia ngành ô tô nói gì?

Liên quan đến thông tin sáp nhập, tại Việt Nam, chuyên gia xe Quang Anh cho rằng, sự hợp lực giữa Honda và Nissan, nếu thành công, có thể giúp họ tiết kiệm chi phí nghiên cứu và phát triển, đồng thời tận dụng được lợi thế của nhau trong các mảng thị trường khác nhau. Tuy nhiên, thương vụ này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, từ việc đồng nhất văn hóa doanh nghiệp đến khả năng tái cấu trúc danh mục sản phẩm và mở rộng thị phần", ông Quang Anh nói.

Vị chuyên gia này cũng nghi ngại: "Câu hỏi đặt ra rằng nếu Honda và Nissan - hai thương hiệu lớn thứ 2 và thứ 3 của Nhật Bản phải sáp nhập để tồn tại, liệu Toyota, ông lớn dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, có đứng ngoài xu hướng này?".

Toyota, dù đang dẫn đầu doanh số toàn cầu, lại bị chỉ trích nặng nề vì sự bảo thủ trong chiến lược điện hóa. Hãng vẫn trung thành với động cơ hybrid và nhiên liệu hydro thay vì tập trung hoàn toàn vào xe thuần điện (BEV). Điều này khiến Toyota dần tụt lại trong cuộc đua công nghệ trước những đối thủ như Tesla, BYD...

"Nếu một ngày Toyota buộc phải tìm kiếm một đối tác chiến lược để tồn tại, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người họ chọn để hợp tác? Mazda, Subaru hay thậm chí một đối tác ngoài Nhật Bản? Dù chưa đến mức báo động, nhưng nếu không nhanh chóng thay đổi chiến lược, ngay cả Toyota cũng có thể bị cuốn vào làn sóng tái cấu trúc này", ông Quang Anh nhấn mạnh.

Ngành ô tô toàn cầu đang phải đối mặt với sự tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó những hãng chậm chân như Stellantis - tập đoàn sở hữu các thương hiệu lớn như Jeep, Peugeot hay Chrysler - cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Trong năm 2024, Stellantis đã chứng kiến doanh số toàn cầu giảm 12%, với quý 3 giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bắc Mỹ giảm 36%. Công ty còn cắt giảm dự báo biên lợi nhuận và chứng kiến giá cổ phiếu giảm tới 44% trong năm. Điều này cho thấy, ngay cả những tập đoàn lớn nếu không đổi mới kịp thời, cũng có thể rơi vào tình trạng khó khăn tương tự như các hãng xe Nhật.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu