05:23 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những giải pháp làm đòn bẩy cho thị trường tài chính và bất động sản năm 2020

Hồng Nhi | 16:07 06/01/2020

Sáng nay (6/1/2020) tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh năm 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”.

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì. Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO), Diễn đàn đầu tư BizLIVE.vn tổ chức với sự tham gia của hơn 300 đại biểu.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS. Vũ Đình Hòe, Phó Chủ tịch VABO cho biết: “Mục đích của Diễn đàn là tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, đối thoại và trao đổi thông tin kinh tế, phân tích những cơ hội “tăng tốc và bứt phá” trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước. Chúng tôi rất kỳ vọng, các vị khách mời tham dự diễn đàn ngày hôm nay sẽ có nhiều thông tin quý báu, ý tưởng, sáng kiến chia sẻ cùng toàn thể quý vị, để diễn đàn của chúng ta đạt được kết quả mong đợi”.

 PGS, TS. Vũ Đình Hòe, Phó Chủ tịch VABO phát biểu khai mạc diễn đàn. 

Nổi bật trong diễn đàn là phiên trao đổi về “Những giải pháp làm đòn bẩy cho thị trường tài chính và bất động sản 2020”. Phiên thảo luận có sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Mở đầu phiên thảo luận TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong bất kể nền kinh tế nào luôn có 3 thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa, và thị trường tài chính. Riêng thị trường tài chính, tại Việt Nam đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Quy mô đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.

Hiện có tới 94% ngân hàng đã hình thành chiến lược phát triển ngân hàng số, thanh toán qua mobile banking tăng mạnh. Về vốn cho nền kinh tế, năm vừa rồi, tăng trưởng dòng vốn đạt 12% thì không thể nói là thiếu vốn, chỉ là một số điểm chưa hấp thụ được.

Song song đó, ông Cấn Văn Lực cho rằng năm tới sẽ có 4 thách thức chính. Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số chậm quá, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán. Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỷ giá… Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công. Thứ tư, là vấn đề an ninh mạng.

Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, tuy nhiên, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đan xen, nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lý, đây là rủi ro hệ thống. 

Phát triển thị trường fintech Việt Nam

Đánh giá về hiện trạng và tiềm năng của thị trường fintech Việt Nam, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit cho rằng, nếu như trước đây, việc sử dụng các các ứng dụng online để thanh toán còn khá xa lạ, chủ yếu sử dụng tiền mặt nhưng đến hai ba năm gần đây khi các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam thì các ứng dụng thanh toán như Momo, Grab, VNPay,… đã phát triển nở rộ và ngày càng phổ biến với người dân.

Với chính sách phát triển không tiền mặt của Chính phủ, đến 2020 mục tiêu đạt 30% nhưng hiện nay mới đạt 10%. Cùng với sự đầu tư ngày càng lớn của các doanh nghiệp thị trường fintech Việt Nam đang có một bước đà để phát triển và sẽ ngày càng thăng hoa.

Bổ sung cho ý kiến của ông Trần Việt Vĩnh, ông Võ Trí Thành cho biết, để fintech Việt Nam phát triển cần phải thay đổi được đồng thời ba điểm: Thứ nhất là thói quen, thứ hai là thể chế, thứ ba là công nghệ.

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp, HSBC cho biết, HSBC là cầu nối cho doanh nghiệp FDI vào Việt Nam và là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới. Rõ ràng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng và con số này tăng hàng năm. 

"Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên. Theo Forbes Asia, trong số hơn 200 doanh nghiệp từ châu Á, cũng có rất nhiều đại diện doanh nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã bước ra khỏi biên giới của mình và chứng minh được với thế giới về khả năng cạnh tranh. 

 Các chuyên gia cho biết đây là giai đoạn thích hợp để phát triển mạnh mẽ ngân hàng số và fintech tại Việt Nam. 

Thảo luận về những bất cập của thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng còn gặp nhiều điểm nghẽn.

Với thị trường bất động sản TP.HCM chúng tôi thấy, trong năm 2019 có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.

Cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018; chỉ có 4 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với 2018… Những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản cả nước sụt giảm, bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm bất động sản.

"Bản chất thị trường bất động sản không xấu nhưng gặp nhiều vấn đề về pháp luật, thực thi pháp luật, và con người thực thi pháp luật. Tại sao có những doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng được, nhưng có những doanh nghiệp không thể tháo gỡ được khó khăn nên vấn đề của doanh nghiệp bất động sản cần là minh bạch về môi trường kinh doanh. Có như vậy thị trường bất động sản mới phát triển được", ông Châu nói.

Theo ông Châu, cần minh bạch thị trường trái phiếu để đây trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phát triển.

Chuyên gia Cấn Văn Lực bổ sung thêm, thị trường bất động sản không chỉ trong TP.HCM mà cả Hà Nội thời gian vừa qua cũng gặp khó khăn.

Nguồn cung năm 2019 tại TP. HCM giảm 52% trong khi cung thị trường Hà Nội cũng giảm 26%, do đó giá bất động sản đã bị đẩy lên tăng trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình cơ bản sàng lọc chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản. Thứ hai liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra.

Cũng theo ông Lực, trong năm qua, doanh nghiệp bất động trên sàn làm ăn khá tốt, giá cổ phiếu tăng trung bình khoảng 13% so với năm trước. Bên cạnh đó, luật mới cho phép quỹ đầu tư bất động sản hoạt động, điều này sẽ giúp thu hút nhiều hơn vốn vào ngành này.

Hồng Nhi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu