20:00 ngày 16/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/7

11:15 01/07/2019

(THPL) - Từ hôm nay (1/7), mức lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu đồng mỗi tháng hiện nay lên 1,49 triệu đồng mỗi tháng, tương đương gần 7,2%.

Tăng mức lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng mỗi tháng từ ngày 1/7

Theo Nghị định 38/2019 của Chính phủ, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng thêm 100.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở mới được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng, thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.

Với mức lương cơ sở mới, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ được tăng từ mức hiện tại là 3.252.600 đồng lên 3.486.600 đồng (tăng 234.000 đồng).

Chính thức tăng mức lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng mỗi tháng từ ngày 1/7. (Ảnh minh họa)

Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Mức lương cơ sở này sẽ được dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác; đồng thời dùng để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Theo nghị định của Chính phủ, để có kinh phí tăng lương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao và một số nguồn khác. Ngân sách trung ương bổ sung kinh phí còn thiếu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay thế Nghị định số 72.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 7,19%

Từ ngày 1/7, theo Nghị định 44/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với các đối tượng như:

Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng;

Quân nhân, công an nhân dân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng; Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Giá vé máy bay trong nước hạng phổ thông không quá 3,75 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 1/7, Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Cụ thể, mức giá vé tối đa hạng phổ thông cho một chiều đi với khoảng cách dưới 500 km nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng/vé, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng/vé.

Khoảng cách từ 500 km - 850 km có giá tối đa 2,2 triệu đồng/vé; 850 km - 1.000 km có giá tối đa 2,790 triệu đồng/vé và 1.000 km - 1.280 km có giá 3,2 triệu đồng/vé. Mức giá vé cao nhất một chiều cho cự ly từ 1.280 km trở lên là 3,75 triệu đồng/vé.

Người dưới 15 tuổi được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng

Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ 5/7, cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Với người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Thông tư này cũng quy định, việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền. Tuy nhiên, lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mức cho vay và thời hạn cho vay của Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Nghị định 39/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/7/2019) về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DNNVV thực hiện hình thức vay gián tiếp hay trực tiếp đều áp dụng mức cho vay và thời hạn cho vay sau:

- Mức cho vay: Tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ.

- Thời hạn cho vay: Phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; Tối đa không quá 07 năm.

Nghị định này cũng quy định về các hình thức hỗ trợ khác của Quỹ đối với các DNNVV như: tài trợ vốn, hỗ trợ tăng cường năng lực,…

Phạt tiền đến 50 triệu đồng với hành vi dùng điện đánh cá

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ được áp dụng theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/7. 

Quy định mới nghiêm cấm việc dùng điện đánh bắt thủy sản. Nếu vi phạm, người dùng điện đánh cá (không dùng tàu) bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng; người dùng điện trên tàu cá để khai thác thủy sản bị phạt từ 15 – 40 triệu đồng; người dùng lưới điện để đánh bắt nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. 

Ngoài ra, người vi phạm có thể chịu phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản…

Hạ Lan (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu