12:52 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhờ Nghị quyết 58, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”

13:48 30/11/2023

(THPL) – Với Nghị quyết 58, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, hơn nửa nhiệm kỳ qua, với tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” và sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Nghị quyết 58 là nghị quyết của “sự đồng lòng và quyết tâm bứt phá”

Theo Nghị quyết số 58 đã được Bộ Chính trị ban hành, tỉnh Thanh Hóa được ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 để Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách đặc thù. Đây được xem là cơ hội “vàng” để tỉnh Thanh Hóa thu hút đầu tư, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp, giúp kinh tế Thanh Hóa tăng tốc và bứt phá trong các năm đã qua và những năm tiếp theo.

Để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần Nghị Quyết số 58, Thanh Hóa là phải địa phương phải thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển các vùng, miền.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã tiến được những bước quan trọng trong việc đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng Thanh Hóa phát triển trở thành hiện thực.

TP Thanh Hóa có nhiều đổi thay nhờ sự quan tâm của Trung ương.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt các dự án phát triển hạ tầng giao thông có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị như: Đường Hoằng Kim - Thiệu Long với nút giao Thiệu Giang, đường thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân với nút giao Đồng Tiến, đường Vạn Thiện – Bến En với nút giao Vạn Thiện. Hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các tuyến đường Đông Xuân - TP Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 2); đường vành đai 3 nhánh Đông; đang hoàn tất thủ tục đến cuối năm 2023 khởi công đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng biển Nghi Sơn... Những “tuyến đường tương lai” ấy sẽ tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, tạo tiền đề cho sự bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh ở mọi lĩnh vực.

Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư xây dựng sau khi có Nghị quyết 58 để thúc đẩy tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển hơn nữa như kỳ vọng.

Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần của NQ số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của tỉnh Thanh Hóa mà Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để nghị quyết này thực sự là tiền đề, là nền tảng của tư duy, tầm nhìn, trong cách nghĩ, cách làm để tạo ra sự đột phá tăng trưởng, xứng với vai trò, vị thế chiến lược của mảnh đất xứ Thanh trong lịch sử, cũng như tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thủ tướng cho rằng: Thanh Hóa phải tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hài hòa. Và hơn hết là phải luôn luôn đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế xã hội tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

“Thanh Hóa đã đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm và đột phá. Khi thăng trầm là khi đoàn kết có vấn đề; khi đột phá là lúc tinh thần đại đoàn kết được đề cao”. Do đó, “qua mỗi bước thăng trầm hay đột phá, bài học được đúc rút vẫn là giữ vững tinh thần đại đoàn kết”. Điều đó được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào đầu tháng 11/2023 vừa qua. Đó chính là sự đồng lòng và quyết tâm bứt phá của toàn thể Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong các năm vừa qua.

Quyết bứt phá theo chiều sâu trong mọi lĩnh vực

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy về kế hoạch phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh này trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn... Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 đã đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình vận hành phát triển.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 15%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước và đứng Top đầu các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 – 2023 tăng trưởng bình quân 17,5%, cao hơn kế hoạch đề ra là 11,2%. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 230 nghìn tỷ đồng; năm 2024 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng, năm 2025 dự kiến đạt 280 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Với những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 58, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực...

Một góc Khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.

Với ý tưởng thể hiện tham vọng cùng sự quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, tại cuộc làm việc với tỉnh Thanh Hóa vào đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Nếu việc quy hoạch cần cái nhìn tổng thể, tầm nhìn chiến lược; thì việc đầu tư lại phải phân kỳ, song hành với các cơ chế chính sách đặc thù và kêu gọi đầu tư. Đồng thời, làm cảng biển trước hết phải nắm được chân hàng, nguồn hàng, bạn hàng... Tóm lại, cần làm đâu chắc đó. Có như vậy, mới từng bước biến những điều trong lý tưởng dần được hiện thực hóa.

Thực tế, để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 58, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nửa nhiệm kỳ qua, với tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” và sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước (sau các tỉnh/thành: Bắc Giang, Hải phòng, Quảng Ninh, Hậu Giang) và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Đây được xem là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước...

Thanh Hóa là tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước.

Khẳng định những thành quả Thanh Hóa đạt được là hết sức quan trọng, đã và đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bài học của sự thành công là “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. Do đó, bên cạnh tinh thần đoàn kết, lấy đoàn kết làm điểm tựa, làm nền tảng, Thanh Hóa cần phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; phải huy động sức mạnh toàn dân cho phát triển; phải nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện và đặc biệt là không để ai bị bỏ lại phía sau!.

Với tinh thần sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm nhìn vào những vấn đề “nóng” và nói thẳng, nói thật được Thủ tướng nêu lên tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu cho các bộ, ngành, Trung ương và địa phương có cái nhìn khách quan, đa chiều, thậm chí là nhìn nhận một cách sòng phẳng để thấy rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và tìm hướng tháo gỡ, giải quyết khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, vấn đề trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thời gian qua đã trở thành vấn đề “nóng”, khi nó đã trở thành một trong những nguyên nhân gây nên sự trì trệ trong thực thi công vụ của các cơ quan công quyền. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là điều được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh và khuyến khích khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu