14:08 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật nhất của năm 2020

17:50 30/12/2020

(THPL) - Năm 2020 dần khép lại và trở thành năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai nhiều nhất trong vài thập kỷ gần đây. Trong năm đặc biệt này, cùng nhìn lại các sự kiện, thành tựu cũng như bất ổn kinh tế trong nước nổi bật.

1. GDP đạt mức tăng trưởng dương

Năm 2020 được ghi nhận là năm Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa đạt mức tăng trưởng dương. Đây được coi là thành công của Việt Nam trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế toàn cầu giảm 4,5% năm 2020; Fitch Ratings và Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2020 đều ở mức giảm 4,4%. Đối với một số nền kinh tế lớn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP của Trung Quốc đạt 1,8%; GDP của Hoa Kỳ giảm 5,3%; GDP của khu vực đồng Euro giảm 8,0%; GDP của Nhật Bản giảm 5,4%%; GDP của Indonexia giảm 1,0%; GDP của Malaysia giảm 5,0%; GDP của Thái Lan giảm 8,0%; GDP của Philipine giảm 7,3% và GDP của Singapore giảm 6,2%...

2. Xuất siêu đạt mức kỷ lục

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao, đưa xuất siêu đạt mức kỷ lục với con số ước tính 20 tỷ USD. Năm 2020, Việt Nam có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. 

Năm 2020, xuất siêu đạt mức kỷ lục (ảnh: Internet)

3. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ

Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, dự kiến đạt trên 90% kế hoạch, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết tâm từ cấp cao nhất đã được lan tỏa xuống cấp thực thi, tạo ra những kỷ lục trong thực hiện dự án đầu tư công.

4. Khởi động tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp

Quá trình chuyển đổi số đã khởi động trong năm 2020 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021, mở ra cơ hội tiếp theo cho nền kinh tế. Đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, giúp quản lý hiệu quả quá trình logistic vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, dự báo nhu cầu thị trường.

Tăng cường liên kết chuỗi giá trị, niềm tin được thiết lập qua nền tảng công nghệ như blockchain; nâng cao chất lượng sản phẩm, tiệm cận và đạt yêu cầu thị trường quốc tế, hỗ trợ tạo lập hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn. Qua đó đưa “Nông dân trở thành trí thức, trí thức cũng là nông dân”.

5. Nhiều hiệp định quan trọng có hiệu lực 

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Hiệp định RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.

Từ 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Việc gia nhập nhiều hiệp định FTAs quan trọng đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng và xuất khẩu đạt kết quả khả quan trọng bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

6. Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ nền kinh tế

Sau gần một thập kỷ không sử dụng đến công cụ chính sách điều hành, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần liên tiếp cắt giảm các mức lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất huy động VND ngắn hạn và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của NHNN đối với các lĩnh vực ưu tiên, trần lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm 1%/năm xuống còn 4%/năm; trong khi trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND giảm 1,5%/năm xuống 4,5%/năm.

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do tác động của Covid-19.

7. Số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh

Đại dịch Covid-19 được coi là thách thức lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp. Trong 11 tháng đầu năm 2020 có 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào khu vực doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, ăn uống, bất động sản, dịch vụ môi giới, logistics, sản xuất nhỏ lẻ, vận tải nhỏ…

Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, khiến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ) không đạt được.

8. Hàng không và du lịch thua lỗ nặng nề

Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530 nghìn tỷ đồng.

 9. Ngành mía đường đối mặt với khó khăn nghiêm trọng 

Hai năm trước (2018-2019) ngành mía đường đã liên tục đối mặt với khó khăn ngày càng lớn hơn. Nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động, thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động.

Trong niên vụ 2020-2021, ngành mía đường Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường, gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu và hoạt động không có hiệu quả.

10. Thiên tai gây thiệt hại lớn trên nhiều vùng, miền

Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai bất thường, cực đoan. Trong đó, lũ lụt miền Trung được xem là đợt lũ lụt lịch sử mới với mức báo động IV, cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam.

Chỉ trong tháng 10 và 11/2020 có tới 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung, trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Mưa lũ kéo dài gây sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến nhiều người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; động đất ở Mường Tè (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La)… cũng gây tổn thất lớn về người và tài sản. Trong năm, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 38.400 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 31.700 tỷ đồng. Những diễn biến bất thường của khí hậu cũng đặt ra khuyến cáo cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với rừng phòng hộ, các công trình thủy điện... 

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu