18:15 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Điểm lại 5 sự kiện y tế nổi bật năm 2020

10:21 30/12/2020

(THPL) - Khép lại năm 2020 đầy biến cố trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn có những điểm sáng ấn tượng để chúng ta hy vọng vào một tương lai khởi sắc mạnh mẽ trong năm tới. Với ngành y tế, năm 2020 đã để lại nhiều dấu ấn, chứng kiến nỗ lực y tế phi thường trong chống dịch COVID-19 và các thành tựu y khoa như mổ tách song sinh, ghép tạng...

Dưới đây là 5 sự kiện y tế nổi bật, ấn tượng nhất năm 2020: 

1. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 

Việt Nam là một trong những nước được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tính đến sáng ngày 30/12, toàn thế giới có trên 82,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1,79 triệu người đã tử vong vì đại dịch này. Việt Nam khống chế được dịch COVID-19 với 1.454 ca mắc, 35 ca tử vong.

Trong khi nhiều nước trên thế giới liên tục phải chống chọi với dịch COVID-19 hoành hành thì Việt Nam chỉ có 2 đợt dịch COVID-19 lớn vào tháng 3 và tháng 7. Hai đợt dịch này cũng được nhanh chóng được chặn đứng bởi "chiến lược" phòng chống dịch vô cùng hiệu quả và cách "đánh trận" chỉ có ở Việt Nam": Ngăn chặn, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Những giờ phút cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng căng thẳng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Nguồn: báo Dân Việt)

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã nhanh chóng sản xuất được test kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nâng cao năng lực cho hàng chục phòng xét nghiệm. Công nghệ số đã vào cuộc giúp cho việc truy vết nhanh, nhắc nhở người dân phòng dịch hiệu quả... Vắc xin ngừa COVID-19 made in Việt Nam cũng đang được thử nghiệm lâm sàng và cho những dấu hiệu tốt đẹp.

Sức mạnh "toàn dân" đã giúp Việt Nam khống chế dược dịch COVID-19 và là một trong số ít nước trên thế giới có thể sống trong trạng thái "bình thường mới", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

2. Thực hiện thành công ca mổ tách trẻ dính nhau

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, thực hiện ca đại phẫu tách hai bé gái dính liền phần bụng chậu ngày 15/7, cách 32 năm kể từ ca mổ cặp Việt - Đức.

Gần 100 bác sĩ tham gia ca mổ tách rời cặp song sinh Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi. Lúc này, hai bé tròn 13 tháng tuổi, nặng tổng 15 kg. Mỗi bé có hai tay, hai chân nhưng thông nối nhiều mạch máu và chung nhiều cơ quan nội tạng, sống cộng sinh.

Cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi được mổ tách dính thành công (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chỉ huy cuộc mổ dài hơn 13 giờ, gồm ba giai đoạn gồm tách rời, tái tạo, sắp xếp lại xương và các cơ quan. Trúc Nhi - Diệu Nhi được tách thành hai con người độc lập.

Ngày 7/10, hai chị em xuất viện. Bác sĩ Định đánh giá, quá trình hồi phục của bé gần như hoàn hảo. Các bé đạt đúng quỹ đạo phát triển như một trẻ bình thường về thể chất và tinh thần.

GS.BS Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 và ca mổ chia sẻ: "Tôi rất vinh dự vì 32 năm trước tôi đã tiến hành ca mổ dính bụng chậu cho Việt - Đức có 3 chân, bây giờ tôi lại được tham gia ca mổ cũng dính bụng chậu nhưng có 4 chân. Đây là một loại song sinh dính liền hiếm gặp trên thế giới, việc tách rời thành công hai bé thật sự không hề dễ dàng”.

3. Ghép tạng đạt nhiều kỷ lục mới

Trong năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có kỷ lục là thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng gồm ba ca ghép tim, bốn ca ghép gan, 16 ca ghép thận hồi đầu tháng 9. Các tạng hiến từ cả người chết não và người sống. Sau ghép, sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển tốt, ổn định. Để có kỷ lục về ghép tạng này, hơn 400 y bác sĩ làm việc xuyên tuần.

Năm 2020, ghép tạng đạt được nhiều kỷ lục mới (ảnh: Internet)

Đây cũng là lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của bệnh viện ghép tim cho hai bệnh nhân trong hai ngày liên tiếp.

Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép bàn tay từ người hiến sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép đầu tiên trên thế giới được nhận chi hiến từ người cho sống.

4. Khám chữa bệnh từ xa

Đề án Khám, chữa bệnh từ xa ban hành ngày 22/6 mở ra một thời mới trong chẩn đoán và điều trị, với hai mục tiêu là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.

Hệ thống Telehealth giúp điều trị hiệu quả bệnh nhân mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19; giảm chi phí đi lại, giảm quá tải tuyến trên, tăng năng lực tuyến dưới, kết nối các bệnh viện.

Người dân có thể ở trạm y tế xã mà vẫn được các chuyên gia y tế giỏi tuyến trên khám và điều trị (Nguồn: Internet)

Khám chữa bệnh từ xa có thể áp dụng cho chẩn đoán, điều trị, dự phòng, phục hồi. Với bệnh nhân, thay vì phải di chuyển hàng trăm cây số tới Hà Nội hoặc TP HCM, họ có thể vẫn nằm tại bệnh viện gần nhà, thậm chí tại nhà, mà vẫn được bác sĩ tuyến trung ương chẩn đoán trên thời gian thực.

Khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước kết nối trực tuyến qua ứng dụng Telehealth. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đây là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số.

5. Tái xuất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Năm 2020, miền Trung phải oằn mình chống bão lũ ồ ạt, để lại sau đó rất nhiều mất mát về người và của. Sau mưa lũ, kéo theo nhiều bệnh dịch phát sinh, trong đó có cả bệnh Whitmore - căn bệnh được mệnh danh là “bệnh ăn thịt người”. Với hàng chục người nhập viện vì bị bệnh whitmore với ít nhất 4 người tử vong tại Quảng Trị. 

Theo ghi nhận từ BV Bạch Mai, trong vòng 10 năm về trước, BV chỉ tiếp nhận khoảng 20 ca Whitmore nhưng hai năm gần đây lại tiếp nhận liên tục. Các ca bệnh hầu hết đến BV muộn nên việc cứu chữa rất khó khăn, thậm chí bệnh nhân tử vong.

Một trường hợp mắc bệnh Whitmore (Nguồn: Internet)

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường ở trong đất, nước bẩn, xâm nhập qua các vết lở loét trên tay chân. Do đó, những người dân ở các vùng lũ, vùng khó khăn cần phải cảnh giác.

Ngoài Whitmore, trước đó bạch hầu đã âm thầm tấn công nhiều trẻ em ở Tây Nguyên, rồi lan ra Quảng Trị, Quảng Ngãi. Gần 200 ca bạch hầu được ghi nhận, trong đó bốn em bé tử vong. Số bệnh nhân tăng gần 450% so với năm 2019, tăng đến 15 lần so với giai đoạn 2014-2018.

Trước tình hình đó trong tháng 7, Bộ Y tế đã phải phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên (bao gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông) với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên.

Thanh Thanh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu