19:39 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn khiến nguy cơ nợ xấu gia tăng

Minh Đức (tổng hợp) | 09:32 05/08/2022

(THPL) – Hiện nay dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) tăng 14,7% so với cuối năm ngoái, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn do lĩnh vực này thường có thời gian vay vốn dài trong khi nguồn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt trên 2,36 triệu tỉ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái. Dư nợ tín dụng BĐS hiện chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, tăng hơn so với tỉ lệ 19,9% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nợ xấu lĩnh vực BĐS khoảng 36.400 tỉ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái.

Liên quan đến thông tin trên, theo báo Người lao động, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định nếu so với tổng dư nợ BĐS hiện khoảng 2,36 triệu tỉ đồng thì tỉ lệ nợ xấu BĐS sẽ khoảng 1,57%, cao hơn mức nợ xấu chung là 1,5% của cả hệ thống NH. Con số này chưa đáng lo nhưng cũng phản ánh mức độ rủi ro cao hơn. "Đáng chú ý, nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng lên theo tình hình chung khi Thông tư 14 của NH Nhà nước về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã hết hiệu lực từ ngày 30/6 nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát" - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.

TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng số nợ xấu BĐS hơn 36.400 tỉ đồng nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì lớn nhưng vẫn trong ngưỡng và tỉ lệ nợ xấu an toàn. Tuy nhiên, khó khăn của thị trường BĐS và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này chỉ mới bắt đầu nên nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Bởi vì dòng vốn tín dụng chảy vào BĐS mới bị thắt chặt khoảng 2 tháng nay trong bức tranh chung là nhiều NH thương mại hết hạn mức cho vay. Trước đó, trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH rất nhanh, bao gồm cả vốn chảy vào BĐS.

"DN BĐS đang khát vốn mà NH không còn nhiều dư địa để cho vay. Chưa kể một số DN trong lĩnh vực này đang sắp đến hạn trả nợ trái phiếu đã phát hành. Do đó, bài toán trước mắt mới đáng lo ngại và đòi hỏi giải pháp kịp thời từ Chính phủ, NH Nhà nước nhằm xử lý, ngăn chặn nợ xấu phát sinh" - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn khiến nguy cơ nợ xấu gia tăng. Ảnh minh họa

Báo VietNamNet đưa tin, DN ở nhiều lĩnh vực đang đồng loạt lên tiếng về nguy cơ cạn vốn kinh doanh. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết, công ty đã tiếp cận nhiều ngân hàng nhưng vẫn không được vay mới, không được thông báo có gia hạn hợp đồng vay trước đó hay không. Nhiều ngân hàng không nói bị hết “room” tín dụng nhưng yêu cầu chờ. Trong khi đó, để chuẩn bị hoạt động nửa cuối năm, các công ty du lịch luôn cần vốn để đặt sẵn các gói dịch vụ như: lưu trú, vé máy bay, ăn uống… trước khi thu từ khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ ATP (Hà Nội), cũng than thở, không vay được vốn đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều DN, khiến các khoản nợ bị kéo dài. Một số đối tác của công ty đã gặp tình trạng này, công nợ phát sinh cao. Có những hợp đồng kéo dài hơn 3 tháng nhưng chưa thanh toán được. Khách hàng đều nêu lý do, bị thiếu dòng tiền do các bạn hàng nợ lẫn nhau, trong khi vốn ngân hàng giải ngân quá chậm. Nếu tình hình này kéo dài thì nợ xấu giữa các DN sẽ diễn ra trên diện rộng vì bị tác động dây chuyền.

Ngoài tự xoay sở, không ít doanh nghiệp vì không muốn mất mối làm ăn trong hoàn cảnh khó khăn, buộc phải chọn cách nợ lại chính ngân hàng.

Trước đó báo VTC News đưa tin, Giám đốc một doanh nghiệp đồ nội thất xuất khẩu có trụ sở tại Hà Nội thừa nhận, việc không trả đúng hạn có thể khiến doanh nghiệp phải trả lãi không nhỏ, mất lịch sử tín dụng sạch và khó khăn trong lần vay tiếp theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp gần như không có lựa chọn, buộc phải giữ tiền làm vốn vì nếu từ chối đơn hàng, đối tác có thể chuyển hướng tìm nhà cung cấp mới tại các nước khác mà không quay lại Việt Nam.

“Doanh nghiệp… không dám trả ngân hàng vì đáo hạn xong cũng rất khó vay được tiếp vì các doanh nghiệp cùng xếp hàng dài, không biết khi nào mới tới lượt. Trong khi đó, mọi chi phí từ sản xuất, máy móc, nhà xưởng, lương công nhân đều phải tăng lên để kịp đơn hàng cuối năm”, vị lãnh đạo công ty nói.

Số liệu của Tổng cục Thống kê 7 tháng cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 94.600 doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kì năm ngoái. Điều này đồng nghĩa một tháng có 13.500 doanh nghiệp chia tay thị trường.

Hiện nhiều ngân hàng đồng loạt xin nới room khi nhu cầu vốn giai đoạn quý III và cuối năm luôn rất lớn, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước chưa đồng ý. Ngân hàng Nhà nước mới đây khẳng định việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu