19:49 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhập 6 lọ thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum để cứu các bệnh nhận ngộ độc ở Bình Dương

08:13 28/03/2021

(THPL) - Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để nhập thuốc giải độc, phục vụ điều trị cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc Botulinum tại Bình Dương.

Báo VietNamNet đưa tin, chiều 27/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, lô thuốc giải độc Botulinum được Tổ chức y tế thế giới tài trợ cho Việt Nam đã dùng hết. Để có nguồn thuốc cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc Botulinum tại Bình Dương, một công ty đã đề xuất với Bộ Y tế việc tài trợ 6 lọ thuốc này. Hiện Bộ Y tế đang hoàn tất các thủ tục một cách khẩn trương nhất để có thể nhập thuốc về phục vụ điều trị càng sớm càng tốt. Lô thuốc trên dự kiến được gửi từ Bắc Mỹ về Việt Nam.

Thuốc Botulism antitoxin heptavalent 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau khi ghi nhận một số ca ngộ độc Botulinum gần đây, Bộ sẽ có kế hoạch xây dựng nguồn thuốc dự trữ để điều trị ngay khi có ca bệnh.

Tuy nhiên, do thuốc giải độc có giá thành rất cao, hạn sử dụng chỉ hơn 2 năm trong khi số ca mắc thường không nhiều, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để dự trữ thuốc với số lượng hợp lý, tránh lãng phí.

Cục Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm Hoa Kỳ cho hay, về cơ chế, thuốc BAT cung cấp đáp ứng miễn dịch thụ động cho cơ thể thông qua các kháng thể mà nó sở hữu. Khi được tiêm vào người, các kháng thể này sẽ liên kết chặt với botulinum tự do, khiến chúng không còn tương tác được với thụ thể của tế bào thần kinh.

Nhờ cơ chế này, thuốc giúp giảm thiểu đáng kể hiện tượng liệt, yếu cơ bắp của bệnh nhân ngộ độc Botulinum. Bệnh nhân được giải độc sẽ giảm nguy cơ diễn biến nặng phải thở máy. Đối với ngộ độc Botulinum, nếu không có thuốc giải độc, thời gian bệnh nhân hồi phục sẽ rất lâu vì phải chờ cơ thể tái tạo lại. 

Liên quan đến vụ ngộ độc Botulinum sau khi ăn rún riêu chay ở miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) trưa ngày 20/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Bình Dương, yêu cầu phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra vụ việc, lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu nghi ngờ gây ngộ độc. Đồng thời, chỉ đạo tạm dừng sản xuất, lưu thông đối với sản phẩm nghi ngờ gây ngộ độc; thông báo rộng rãi cho cộng đồng để người từng đến tham dự bữa trưa ngày 20/3 tại miếu Chiêu Liêu khai báo tại cơ sở y tế gần nhất. 

Tuổi Trẻ Online đưa tin, tính đến ngày 26/3, đã có 6 bệnh nhân ngộ độc nhập viện cấp cứu sau khi cùng ăn bún riêu chay ở Bình Dương. Trong số này, 3 người có dấu hiệu phục hồi sau khi được sử dụng huyết thanh giải độc tố Clostridium Botulinum; 1 người tử vong và 2 người còn lại đang được bệnh viện thay huyết tương lọc độc tố.

Ước tính ban đầu từ ngành y tế tỉnh Bình Dương xác định có 25 - 30 người cùng ăn bún riêu chay trong bữa trưa 20/3, họ đều là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Anh Tú (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu