03:13 ngày 19/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhà thiết kế 9X Trần Phương Hoa và ước mơ chinh phục thị trường thế giới

08:48 01/02/2025

(THPL) - 2024 có thể xem là một năm bùng nổ của thời trang Việt ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Không chỉ xuất hiện nhiều show diễn thời trang với quy mô hoành tráng mà nhiều nhà thiết kế trẻ người Việt đã vươn mình ra thế giới bằng các tuần lễ thời trang danh giá, ở những kinh đô thời trang hàng đầu như New York, Paris…

Trần Phương Hoa là một trong những nhà thiết kế trẻ đã góp phần tạo nên một năm đầy màu sắc của thời trang Việt. Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đầu tư trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng Trần Phương Hoa lại được biết đến với vai trò một nhà thiết kế váy cưới – chủ thương hiệu Eleven S Couture nổi tiếng từ trong nước đến ngoài nước.

Nhà thiết kế Trần Phương Hoa

Đang là sinh viên năm 3, Trần Phương Hoa nảy ra ý tưởng kinh doanh váy cưới với mong ước “sẽ làm một nghề mà mình vui, người khác cũng vui, mình hạnh phúc người khác cũng hạnh phúc, lại có thu nhập tốt và sẽ còn mãi”. Sơ khởi, cô kinh doanh áo dài dành cho cô dâu và nhập váy cưới về bán. Tình yêu với váy cưới khiến cô nàng mày mò, tìm tòi, học hỏi rồi đi học cắt may, mở nhà xưởng.

Tình yêu với váy cưới thúc đẩy Trần Phương Hoa sáng lập thương hiệu thời trang Eleven S Couture

Mới năm thứ tư đại học, Trần Phương Hoa đã làm chủ xưởng may với 15 nhân viên. Chỉ tính riêng tiền lương của nhân viên mỗi tháng cũng đã gần 100 triệu đồng, chưa kể các chi phí như thuê cửa hàng, nhà xưởng, nuôi thợ…

Với nhiều người, 10 năm làm nghề cùng profile được tham gia hàng loạt các tuần lễ thời trang tại các kinh đô thời trang thế giới là thành quả vô cùng đáng tự hào nhưng nhà thiết kế 9x lại cho rằng, cô mới đang trong giai đoạn xây dựng thương hiệu và sự nghiệp cho mình. Bởi ước mơ và mục tiêu mà cô nàng hướng đến vẫn còn đang trước mặt, chờ một cú chạm tay thật ngoạn mục.

PV: Tay ngang bước vào ngành thiết kế thời trang, Trần Phương Hoa có nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp?

-Việc không được đào tạo bài bản là nhược nhưng cũng là ưu điểm của tôi. Tôi được tự do, thỏa sức sáng tạo mà không bị gò bó theo bất cứ một quy chuẩn hay khuôn mẫu nào. Điều đó giúp tôi có những yếu tố riêng biệt, khác biệt trong từng thiết kế.

Đối tác khách hàng của tôi đa số là người nước ngoài, họ nhìn vào những thiết kế chứ không quan tâm bằng cấp. Nhưng đó chỉ là thời gian đầu khi tôi mới bước chân vào làng thời trang quốc tế. Còn bây giờ, khi tôi đã tham gia một số tuần lễ thời trang lớn như New York, Paris hay Vancouver (Canada) thì đối tác đã nhìn tôi với một level khác, họ không hỏi tôi về bằng cấp mà hỏi về những bộ sưu tập đã ra đời. Có chăng thì họ ngạc nhiên khi biết tôi là một cử nhân kinh tế nhưng lại làm thiết kế thời trang.

NTK Trần Phương Hoa cùng BST áo cưới tham gia các tuần lễ thời trang quốc tế lớn

Đầu năm 2025, tôi sẽ làm show thời trang áo dài ở Thái Lan theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thái Lan. Tháng 3, tôi sẽ đi Úc, tháng 9 tháng 10 đi Canada và Mỹ giới thiệu các bộ sưu tập mới.

PV: Khó khăn mà Trần Phương Hoa gặp phải khi làm việc với đối tác nước ngoài là gì?

Khó nhất là về phần thủ tục giấy tờ xin visa cho đoàn từ Việt Nam còn đối tác nước ngoài, họ làm việc rất chuyên nghiệp nên mọi thứ đều không có gì phức tạp. Bởi lẽ ban tổ chức các tuần lễ thời trang, họ làm việc với mấy chục nước chứ không phải riêng Việt Nam. Chỉ khi mình tự tổ chức show ở nước ngoài thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Khó khăn nhất là về giấy tờ, thủ tục, giấy phép tổ chức, mua bảo hiểm, ê-kíp bảo vệ riêng… không phải có tiền là có thể làm được. Thứ hai là chi phí quá đắt đỏ. Chẳng hạn, chi phí trả cho 1 trong 1 giờ làm việc lên đến 30-50 USD, riêng photo (người chụp ảnh) là 500 USD cho 1 giờ làm việc. 

PV: Dấu ấn cá nhân của Trần Phương Hoa trong các thiết kế?

Các thiết kế của tôi, họa tiết chủ đạo là hoa. Tôi muốn những thiết kế của mình gắn liền với con đường mình đi nên chọn hoa. Hoa gắn liền với tên tôi và hoa là hình tượng đẹp.

Tôi không thích thời trang chơi trội, làm ra chỉ để trình diễn. Tôi hướng đến mục đích ứng dụng trong cuộc sống. Các thiết kế của tôi đều có tính ứng dụng cao, tôn người mặc. Đối với tôi, một thiết kế đẹp là một thiết kế tôn người mặc lên. Tức là mọi người sẽ nhìn người mặc trước rồi mới nhìn tới chiếc váy chứ không phải nhìn váy rồi mới thấy người. Chiếc váy dù đẹp tới đâu mà không tôn người mặc thì đối với tôi, đó là thất bại. Khi bạn mặc chiếc váy đó, mọi người sẽ trầm trồ khen người mặc đẹp quá. Đó là điều tôi hướng đến và cũng là cách nhận diện thương hiệu Eleven S.

Các thiết kế của Trần Phương Hoa có họa tiết chủ đạo là hoa

Ngoài ra, những thiết kế váy cưới thiết kế riêng của Eleven S với định hướng Bespoke Creation đều độc bản, không cái nào giống cái nào. Có những chiếc váy do chính tôi làm ra nhưng khi được đặt làm lại chiếc thứ hai thì cũng chỉ có thể giống 95% chứ không thể tuyệt đối. Bởi lẽ, thiết kế của tôi luôn gắn liền với câu chuyện, cảm xúc của khách hàng, gắn liền với yếu tố cá nhân. Khi thiết kế, tôi luôn lắng nghe câu chuyện của họ và lấy cảm hứng sáng tạo từ chính câu chuyện đó cho những thiết kế của mình.

PV: Trần Phương Hoa cũng như Eleven S đã đóng góp như thế nào trong việc đưa thời trang Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế?

Tại các tuần lễ thời trang như New York, Paris hay Vancouver, khâu truyền thông được ban tổ chức rất chú trọng và đẩy mạnh. Trong khuôn khổ sự kiện thường có các buổi thảo luận, tọa đàm và họ sẽ đưa bộ sưu tập của mình ra để thảo luận. Hình ảnh về bộ sưu tập cũng được đăng lên các trang báo mạng, các trang trực tuyến có trả phí. Đó là một cách quảng bá thời trang Việt tới bạn bè quốc tế.

Tại sự kiện, ban tổ chức mời nhiều celeb, KOLs, các doanh nghiệp dịch vụ lớn và uy tín đến dự. Đó là dịp mình lan tỏa các thiết kế cũng như thời trang Việt đến bạn bè quốc tế. Thông qua đó, khách hàng ở nước sở tại biết và đặt hàng. Từng bước từng bước, họ biết đến một nhà thiết kế Việt Nam rồi biết đến Việt Nam rồi du lịch Việt Nam, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Gần nhất, tôi đem bộ sưu tập Radiant Symphony lấy cảm hứng từ lá phong và ngọc trai thiên nhiên Khánh Hòa đến Canada trình diễn. Đó cũng là cách để mình giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, đặc sản Việt thông qua thời trang.

PV: Đã có uy tín trên thế giới, còn việc phát triển thị trường thời trang trong nước thì sao, Trần Phương Hoa có trăn trở gì?

Hiện tại, tôi đã bắt đầu làm việc với các celeb trong nước để nâng nhận diện thương hiệu Eleven S như Hòa Minzy, Quán quân The Voice - Trần Ngọc Ánh,… Lý do tôi phát triển thương hiệu ở quốc tế trước là vì muốn được làm đúng giá trị của mình. Tôi muốn mình là người tạo ra xu hướng thời trang chứ không phải chạy theo xu hướng thời trang. Tương tự như vậy, khi đẩy mạnh thị trường trong nước, tôi muốn khách hàng đi theo con đường thiết kế của mình và nhận về đúng giá trị mà họ chọn một cách trân trọng nhất.

NTK Trần Phương Hoa hợp tác với các celeb trong nước nhằm nâng nhận diện thương hiệu Eleven S 

Nhiều người nói tôi thành công nhưng tôi gọi 10 năm vừa qua là giai đoạn xây dựng, 10 năm tới mới là bùng nổ. Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh thương hiệu cả trong nước cũng như quốc tế. Mục tiêu của tôi trong 10 năm tới là mỗi nước sẽ có từ 1 đến 2 chi nhánh, khoảng 20 chi nhánh ở 20 nước có thể nói là trong tầm tay của tôi.

PV: Hành trình phát triển thương hiệu chắc hẳn Trần Phương Hoa cũng gặp không ít rủi ro. Bạn quản lý thương hiệu và rủi ro như thế nào ở thời điểm hiện tại khi thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt?

10 năm trước, khi mới chập chững làm nghề, còn yếu kém trong khâu quản lý và tin người, tôi bị tổn thất tiền tỷ. Với một cô gái 21, 22 tuổi lại đang là sinh viên, đó là một số tiền rất lớn. Số tiền này vào thời điểm đó có thể mua vài miếng đất ở quê tôi. Phải mất 2 đến 3 năm sau, tôi mới vực dậy được. Điều đó cũng cho mình những bài học giá trị để quản lý rủi ro sau này.

Tôi không ngại việc ý tưởng của mình bị copy. Thiết kế của mình có bị nhái, tôi cũng không quá quan tâm. Ở một góc nhìn nào đó, thiết kế của mình phải đẹp thì người khác mới copy. Nếu có buồn thì chỉ là họ copy được, nhưng tôi biết rằng họ chỉ copy được cái vỏ chứ không thể đảm bảo chất lượng.

Hơn nữa, tệp khách hàng của tôi hoàn toàn khác. Họ tự định vị được việc mặc mộ bộ đồ hign- end 5.000 đô sẽ khác với bộ đồ 500 đô như thế nào. Giống như người nghệ sĩ vĩ cầm đương đại lừng danh thế giới Joshua Bell chỉ kiếm được vỏn vẹn 32,17 USD khi chơi vĩ cầm trong một ga tàu điện ngầm ở Washington với cây đàn giá 3,5 triệu đô. Song khi ông làm liveshow thì vé không còn để bán. Tức là người không hiểu giá trị của bộ đồ thì họ cũng không quan trọng bộ đồ đó được làm như thế nào nên tôi không đặt nặng vấn đề. Thay vào đó, tôi tập trung phát triển thị trường cũng như tệp khách hàng của mình, nhấn mạnh vào cảm xúc cá nhân, câu chuyện cá nhân.

Thực hiện: Cao Thanh Hương; Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu