05:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghi vấn trốn thuế vụ mua bán KĐT Tân Phú giữa Âu Lạc với Kim Oanh và trách nhiệm Cục thuế TPHCM?

09:45 13/05/2020

Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Cơ quan thuế là quản lý và hành thu, thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách. Thương vụ mua bán dự án KĐT- TM- DV Tân Phú 43 héc ta giữa Công ty Âu Lạc với Công ty Kim Oanh ai cũng biết, chỉ một mình Cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh là… chưa biết?

Mua bán dự án là có thật

Ngày 01/7/2010, Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu (TCT) Bình Dương (doanh nghiệp thuộc tỉnh ủy Bình Dương) góp 43 héc ta đất bằng 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc góp 140 tỷ đồng giữ 70% vốn điều lệ cùng thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) để thực hiện dự án Khu Đô thị Thương mại Dịch vụ (KĐT) Tân Phú 43 héc ta tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Khu đất 43 héc ta KĐT Tân Phú hiện đang và vật chứng của vụ án.

Ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương bán 30% vốn góp (tương đương 161,1 tỷ đồng) tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Sau hai hợp đồng ngày 02/10/2017 và ngày 06/02/2018, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh), mua lại toàn bộ Công ty Tân Phú từ Công ty Âu Lạc với giá 250 tỉ đồng, trở thành chủ đầu tư dự án KĐT Tân Phú, bà Đặng Thị Kim Oanh (Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh) làm đại diện pháp luật và là giám đốc của công ty.

Thương vụ mua bán này bị nhiều chỉ trích từ truyền thông và dư luận do có nghi ngờ TCT Bình Dương bán rẻ 43 héc ta có nguồn gốc đất công chỉ 581.653 đồng/m2 so với giá nhà nước ban hành cùng thời điểm vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2, vị trí 2 giá 7,7 triệu đồng/m2 và vị trí 3 giá 5,64 triệu đồng/m2. Việc mua bán này gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, giám đốc Công ty Kim Oanh cho mình là bên thứ ba trong thương vụ này, thì ngày 16/12/2019 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TCT Bình Dương".

Ngày 05/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xác định 43 héc ta đất KĐT Tân Phú sau khi Công ty Kim Oanh mua lại chưa được đăng ký biến động tại hồ sơ địa chính. Căn cứ Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì Công ty Tân Phú (do Công ty Kim Oanh làm chủ) chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Trước mắt là 43 héc ta KĐT Tân Phú có nguồn gốc đất công hiện đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xác định là vật chứng của vụ án, đã tạm giữ hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 075229 và BK 075230 do Sở TN-MT Bình Dương cấp cho Công ty tân Phú ngày 06/2/2013, và bàn giao khu đất cho Sở Sở TN-MT Bình Dương quản lý.

Diễn biến của vụ việc cho thấy thương vụ mua bán dự án này là có thật. Tuy nhiên, ngân sách thất thoát một lượng tiền đáng kể từ thuế thu nhập do chuyển nhượng lòng vòng cũng là… có thật.

 

Từ 29/6/2018 chủ sở hữu Công ty Tân Phú đã là Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh, do bà Đặng Thị Kim oanh làm đại diện pháp luật, Tổng giám đốc. 

Cơ quan thuế đang ở đâu?

Trong thương vụ liên doanh, mua bán, chuyển nhượng dự án KĐT Tân Phú 43 héc ta hoàn toàn chưa thấy “bóng dáng” vai trò của Cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh trong việc giám sát, thu ngân sách từ những thương vụ này.

Trước nhất, là việc Công ty Âu Lạc góp 70% vốn bằng 140 tỉ đồng tiền mặt cùng với TCT Bình Dương để thành lập Công ty Tân Phú. Thứ đến, là mua lại 30% vốn của TCT Bình Dương là 43 héc ta đất công với giá chỉ 161,1 tỉ đồng để sở hữu toàn bộ Công ty Tân Phú. Sau nữa, là bán 100% vốn Công ty Tân Phú trị giá 250 tỉ đồng cho Công ty Kim Oanh.

Trong ba giao dịch này của Công ty Âu Lạc chưa thấy có chuyển động nào của dòng tiền thể hiện trên hệ thống quản lý thuế của Công ty này. Thậm chí, trong vòng 4 năm từ 2016 đến 2019 (thời điểm Công ty Âu Lạc thực hiện việc mua, bán Công ty Tân Phú), bộ thuế của Công ty Âu lạc còn chưa hề phát sinh bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. 

Như vậy, Công ty Âu lạc dùng nguồn tiền 161,1 tỉ đồng của ai để mua lại 30% vốn của TCT Bình Dương? Mặt khác, khoản tiền 250 tỉ thu về từ bán Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh cũng không thấy phát sinh trên sổ sách kế toán.

Phải chăng, các giao dịch trên là ngoài tầm kiểm soát của Cơ quan thuế? Câu hỏi này chỉ được Cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh trả lời báo Kinh tế và Đô thị với nội dung “đơn giản” là chưa có dữ liệu về hoạt động chuyển nhượng của Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc, e là chưa thỏa đáng.

Nhìn từ phía Công ty Kim Oanh, số tiền giải chi 250 tỉ mua Công ty Tân Phú từ Công ty Âu lạc cũng chưa thấy bộ thuế của Công ty Âu Lạc thể hiện khoản thu này. Về nguyên tắc, Công ty Kim Oanh chi 250 tỉ đồng cho thương vụ này cũng phải là dữ liệu phải báo cáo quyết toán thuế thu nhập hàng năm.

Trong quá trình tìm thông tin, báo Kinh tế và Đô thị đã gửi công văn đề nghị Cục thuế TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về tình trạng kê khai thuế của Công ty Kim Oanh trong "phi vụ" mua bán này. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi không nhận được dòng thông tin nào về trạng thái thuế của Công ty Kim Oanh như đề nghị.

Cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh không dòng thông tin nào về trạng thái thuế của Công ty Kim Oanh trong thương vụ mua bán này. 

Tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 6) của Công ty TNHH MTV Tân Phú do Sở KH-ĐT Bình Dương cấp ngày 29/6/2018 thể hiện chủ sở hữu của Công ty Tân Phú là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh, do bà Đặng Thị Kim oanh làm đại diện pháp luật, tổng giám đốc.

Thương vụ mua bán trên là có thật, nhưng các báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì nghĩa vụ thuế chưa thể hiện sự minh bạch, vì sao Công ty Kim Oanh vẫn tiến hành trọn vẹn thủ tục hành chính để làm chủ sở hữu Công ty Tân phú?

Trước những dấu hiệu bất thường, liệu đây có phải là cuộc “bắt tay”, dùng giao dịch "ma" trong chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Công ty Âu Lạc với Công ty Kim Oanh nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng để né thuế?  

Hiện thương vụ mua bán này vẫn đang tiến trình điều tra. Công ty Kim Oanh liệu có là một bên thứ 3 ngay tình trong vụ án này?

Theo chúng tôi, Cơ quan điều tra cũng nên tập trung làm rõ nghĩa vụ thuế của Công ty Âu Lạc và Công ty Kim Oanh. Khi này một phần sự thật về “bên thứ 3 ngay tình” sẽ dần sáng tỏ.

Việc liệu Công ty Kim Oanh có là bên thứ 3 ngay tình trong thương vụ mua bán này sẽ được chúng tôi tiếp tục phản ánh ở một góc độ pháp lý khác.   

Theo Tiêu Dùng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu