12:01 ngày 20/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và tour tham quan những di tích lịch sử ở Hà Nội

11:48 19/08/2023

(THPL) - Năm nay, dịp Lễ Quốc khánh 2/9, người lao động có thể được nghỉ đến 4 ngày và Hà Nội có những địa điểm mọi người có thể lựa chọn để tham quan, du lịch, học tập, tưởng nhớ đến những người anh hùng của đất nước.

Ngày Quốc khánh là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nay là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Theo thông báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Công chức, viên chức nghỉ Lễ Quốc khánh năm 2023 từ thứ Sáu (1/9) đến hết thứ Hai (4/9) dương lịch.

Đối với người lao động không phải là công chức, viên chức, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm 2023. Theo đó, người lao động được nghỉ thứ Bảy (2/9) và lựa chọn 1 trong 2 ngày: thứ Sáu (1/9) hoặc Chủ nhật (3/9) Dương lịch. Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nhắc đến ngày Lễ Quốc khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất và biết ơn công lao của Bác Hồ vĩ đại - vị anh hùng dân tộc.

Quanh Hà Nội có những địa điểm mọi người có thể lựa chọn để tham quan, du lịch, học tập, tưởng nhớ đến những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc, tưởng nhớ đến Bác Hồ vĩ đại như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Cầu Long Biên, Nhà tù Hỏa Lò…

Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Nơi hướng về của triệu trái tim Việt

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, là nơi an nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam. Lăng được khởi công chính thức vào ngày 2/9/1973. Nơi đây chính là vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đã từng đọc bản tuyên ngôn độc lập năm 1945.

(Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Nơi hướng về của triệu trái tim Việt)

Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Phía tây của Quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chủ tịch. Tại đây còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn nhỏ với những vật dụng hết sức giản dị, xung quanh có hồ cá, vườn cày, rặng dừa, những hàng rào dâm bụt. Đây là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc khi trở về từ hang Pác Bó Cao Bằng hoạt động Cách mạng công khai năm 1958 cho đến khi qua đời.

Quảng trường Ba Đình Hà Nội - Nơi hồn thiêng của Thủ đô

Hẳn ai trong chúng ta đều không thể không biết đến Quảng trường Ba Đình Hà Nội - nơi ghi dấu nhiều cột mốc quan trọng của dân tộc và cũng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Hơn 78 mùa xuân trôi qua nhưng những ký ức về nó vẫn mãi trường tồn, trở thành niềm tự hào đối với người dân Việt Nam mà ai cũng muốn ghé thăm một lần.

(Quảng trường Ba Đình Hà Nội - Nơi hồn thiêng của Thủ đô)

Không chỉ là nơi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, là nơi Bác sinh sống và làm việc. Hiện nay đây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của nước ta, những cuộc họp quan trọng của Quốc hội, Trung ương Đảng và Chính Phủ. Tiêu biểu là lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn. Đặc biệt, cứ vào tất cả các ngày trong tuần sẽ có lễ thượng cờ (6h mùa hè và 6h30 vào mùa đông) và lễ hạ cờ (21h) được tổ chức long trọng tại Quảng trường Ba Đình mà khi đến du lịch Hà Nội đến đúng khung giờ này bạn sẽ được chứng kiến.

Cầu Long Biên chứng nhân lịch sử

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer.

Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Ngày 02/09/1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, cầu Long Biên đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác với niềm vui sướng và tự hào, hạnh phúc bao nhiêu thì cây cầu đều ghi lại những kỷ niệm không bao giờ quên ngay trong khoảnh khắc đó.

(Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử)

Vào tháng 10/1954, Hà Nội ngập tràn biển cờ hoa mừng ngày giải phóng thủ đô, cây cầu này cũng đứng đó hiên ngang và chứng kiến niềm hân hoan vô bờ của dân tộc. Và rồi sau đó 21 năm, cũng chính cây cầu ấy lại một lần nữa chứng kiến niềm vui độc lập thống nhất toàn diện đất nước, giải phóng miền Nam. Cứ như thế, trải qua hơn 100 năm lịch sử thâm trầm, cầu Long Biên không còn là một hiện vật vô tri vô giác, mà nó như người bạn đồng hành cùng mỗi người dân và đất nước ta bước qua bao nhiêu gian khổ vậy.

Nhà tù Hỏa Lò - Nơi những kí ức đau thương còn sót lại

Cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp: bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống toà án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh - tổng Vĩnh Xương - huyện Thọ Xương - Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhắc đến Nhà tù Hòa Lò là người ta nghĩ ngay đến cái tên “địa ngục trần gian”. Nơi đây hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam đã bị giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần bởi những xảo quyệt và dụng cụ tra tấn tàn khốc dã man của kẻ thù.

(Nhà tù Hỏa Lò - Nơi những kí ức đau thương còn sót lại)

Nhưng càng chứng kiến sự tàn khốc và man rợ của quân địch bao nhiêu, chúng ta lại càng thêm nể phục, tự hào vì những người chiến sĩ cách mạng phía sau ngục tù ấy. Vượt lên gian khó, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng – nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam và là những minh chứng cho lòng quả cảm, tình yêu nước không gì có thể lay chuyển. Nhà tù Hỏa Lò có thể nói là một trong các di tích lịch sử Hà Nội gây ấn tượng và sức ảnh hưởng mạnh nhất cho mỗi du khách đến thăm, tại số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đỗ Khuyến(t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu