06:43 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ - Người “thổi hồn” cho cây cảnh bonsai

Huyền Chi | 09:24 15/02/2021

(THPL) - Từ những cây hoang dại với gốc thô ráp, xù xì... nhưng qua bàn tay tài tình, khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ đã trở thành những kiệt tác nghệ thuật bonsai.

Trong tiết trời se lạnh những ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn cây cảnh nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ tại thôn khu 3, Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội. Ở đây, chúng tôi có cảm giác như lạc vào một thế giới thiên nhiên thu nhỏ, xanh mát và đậm nét hoài cổ.

Vừa nhâm nhi chén trà, ông vừa kể về cuộc đời và mối “duyên cây” của mình: “Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã rất thích cây cảnh. Và rồi, không biết từ bao giờ, tình yêu ấy đã ăn sâu vào máu thịt, hễ gặp người cùng đam mê thì có thể cùng luận bàn thâu đêm suốt sáng. 

Nhiều khi ăn, ngủ cũng nghĩ đến cây, cũng mơ thấy cây... Chơi cây cảnh cũng là một cách để lưu giữ lại thời gian, dưỡng thần giúp tâm bình khí hòa, hướng con người tới những điều chân - thiện - mỹ”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ tại thôn khu 3, Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội.
Cây sanh với dáng “song long thập toàn” là một trong số những “siêu cây” trong vườn của ông Ngọ.
Cây vối như một chiếc quạt giấy đang xòe ra với 19 thân rồng, mỗi thân cao trên 3,5m, tán một chiều dài 6m, chiều kia dài 13m.

Cũng theo nghệ nhân Ngọ: Mỗi cây cảnh ở đây là mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện riêng đầy thú vị. Đó có thể là những gốc sanh, sung, trâm vối... uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi từ các vùng quê khác nhau hay cũng có thể là những cây được ông mua từ một người chơi cây vào chiều 30 tết... rồi như một cơ duyên được ông mang về chăm tỉa khi mới chỉ là cây phôi bé để từ đó theo ông qua bao năm tháng cuộc đời. Một khu vườn xanh với rất nhiều cây đều nhiều hơn tuổi chủ nhân của nó, trong đó có vài chục cây hàng năm luôn được tham gia trong các cuộc triển lãm trên toàn quốc.

Cây phôi bonsai thường chỉ là những cây bụi mọc hoang ngoài tự nhiên. Sau một thời gian được cắt tỉa, uốn nắn, chăm chút, nhiều cây đã thay đổi hình dáng. Tôi coi cây cảnh như người bạn tri kỷ.

Ví dụ như cây trâm vối cổ thụ có giá hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, thân cây trâm vối vài trăm tuổi này uốn lượn mềm mại, chia thành 19 nhánh như những con rồng bay lên khỏi mặt đất. Nhiều khách tham quan ngỏ ý muốn mua lại cây quý nhưng ông không đồng ý vì đây là tâm huyết cả đời mới có được.

Siêu cây sanh phố cổ cũng là sản phẩm trị giá tiền tỷ tại nhà vườn của ông Ngọ.

Tiếp đó là một cây sung được xếp vào loại “hiếm có khó tìm”, tuổi thọ khoảng 70 năm tuổi, cao 3m, dáng lão, quanh năm xanh lá, cho quả sum suê đẹp mắt từ gốc đến ngọn. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ, đây là cây ông mua được của một người chơi ở Hải Dương, giá của cây này hiện giờ vào khoảng 300 triệu đồng.

Hay cây sanh có dáng “song long thập toàn” hơn 100 năm tuổi cũng là một trong những "bảo bối" trong vườn sinh thái Đầm Bạc. Bởi cây có bộ rễ mọc tự nhiên thành chùm bao trùm tảng đá như ngự trên mai rùa. Cây cao 2m, gồm 10 tán xòe rộng được cắt tỉa đẹp mắt. Theo sự đánh giá của chủ nhân, cây sanh này có đủ sự hội tụ của 4 yếu tố: Cổ - kỳ - mỹ - văn của một cây cảnh đẹp.

Dù đã ở tuổi 68 và truyền nghề thành công cho các con, song hàng ngày, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng những "tác phẩm nghệ thuật xanh" trong vườn, giao lưu với những người bạn trong giới cây cảnh và khách tham quan vườn. Ngoài ra, ông còn đi khắp mọi miền đất nước để  săn lùng những loại cây "đẹp, độc", bổ sung vào bộ sưu tập cây cảnh đồ sộ trong "khu vườn thượng uyển" của mình.

Một khoảng không gian xanh tuyệt đẹp, một lão nông hồn hậu và một tâm hồn nghệ sĩ đã trở thành địa chỉ gặp gỡ quen thuộc của giới yêu cây cảnh và khiến du khách lưu luyến không muốn rời bước. 

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu