Nghề gốm Kim Lan - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(THPL) - Mới đây, nghề gốm Kim Lan (Xã Kim Đức - Huyện Gia Lâm – Hà Nội) đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Làng gốm Kim Lan, xã Kim Đức cũng đồng thời được công nhận là Điểm du lịch của Thủ đô Hà Nội. Đây là động lực để chính quyền địa phương và cộng đồng nghệ nhân, doanh nhân làng nghề tiếp tục hồi sinh mạnh mẽ nghề thủ công truyền thống với lịch sử hơn nghìn năm tuổi.

Một thời vang bóng
Là vùng đất nằm phía đông nam kinh thành Thăng Long xưa, ven bờ sông Hồng, chỉ cách làng gốm cổ Bát Tràng một dòng kênh là làng gốm Kim Lan (nay thuộc xã Kim Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng được các thế hệ trước truyền lại, nghề gốm ở Kim Lan xuất hiện từ rất sớm với nhiều sản phẩm nức tiếng xa gần, từng xuất hiện trên các thị trường gốm sứ trong và ngoài nước. Người dân trong làng vẫn truyền tụng câu ca:
“Kim Lan là đất Hàm Rồng
Có nghề làm gốm đất nung lâu đời”.
Còn qua khai quật các hiện vật quý tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Lịch sử đã kết luận: nghề sản xuất gốm ở Kim Lan có từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 18. Từ thế kỷ 8, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm có giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô mộc mạc, giản dị. Bước qua thời kỳ hưng thịnh, đến thế kỷ 18, nghề gốm ở Kim Lan dần bị mai một.
Nỗ lực hồi sinh
Đau đáu giữ nghề gốm cổ của làng, từ những năm 1977-1978, người làng Kim Lan bắt đầu “lên lửa” những lò gốm cũ. Làng gốm dần được hồi sinh. Những năm 1990, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa.
Tuy nhiên, giai đoạn những năm 2010, gốm sứ Kim Lan gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường, nên số hộ làm gốm giảm dần. Trước khó khăn, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas.
Cùng với đó, bắt kịp với xu hướng của người tiêu dùng, các sản phẩm gốm sứ cũng đa dạng hơn, bên cạnh hàng mỹ nghệ, người làng đã tập trung sản xuất sản phẩm dân dụng, đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa, gạch ngói xây dựng… Rất nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo giới chuyên gia, nghề gốm Kim Lan là bảo tàng sống lưu giữ tinh hoa nhiều dòng men cổ. Những chiếc bình, chóe, nồi... vẫn vẹn nguyên sắc men tro trấu trầm mặc từ thế kỷ IX. Kế thừa tinh hoa của cha ông, người thợ Kim Lan hôm nay còn sáng tạo dòng men hoàng kim – biến thể từ men tro trấu, có độ óng ánh, sắc nét, huyền ảo như ánh sáng phản chiếu trên ngọc…
Với nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân, cùng sự hỗ trợ của công nghệ, sản phẩm gốm sứ Kim Lan ngày càng tinh xảo hơn, mẫu mã đa dạng hơn. Nghề gốm Kim Lan hồi sinh ngoạn mục. Hiện nay, làng nghề gốm sứ Kim Lan có hơn 350 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia.

Nghệ nhân ưu tú Đào Việt Bình, Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan cho biết: “Các sản phẩm của chúng tôi ngày càng đa dạng, phong phú, từ các vật dụng có kích thước nhỏ cho tới những sản phẩm cỡ lớn. Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, các nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như: độc bình, lư, đỉnh, đèn với 2 loại men truyền thống là men ngọc và men rạn”.
Theo lãnh đạo xã Kim Đức, quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng chủ thể nghề gốm tại Kim Lan luôn đồng lòng, chung tay, tích cực giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá làng nghề. Hiện xã có 17 nghệ nhân, trong đó có 1 nghệ nhân ưu tú và 7 nghệ nhân Hà Nội. Các nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm độc đáo, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Xã có 3 sản phẩm được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục Guinness cho sản phẩm gốm sứ thủ công lớn nhất; 3 sản phẩm được Viện sáng tạo độc bản Việt Nam công nhận sản phẩm độc đáo; 25 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, ngày 23-1-2025, nghề gốm Kim Lan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận “Điểm du lịch Kim Lan”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: Huyện xác định du lịch văn hóa, làng nghề là một trong những loại hình du lịch trọng điểm của địa phương. Sự kiện nghề gốm Kim Lan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và làng gốm được công nhận Điểm du lịch của thành phố Hà Nội là tiền đề, động lực để Gia Lâm tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, phát triển du lịch gắn với khai thác có hiệu quả các tài nguyên là di sản văn hóa, làng nghề truyền thống; biến đây thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, hướng tới kinh tế xanh, phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đến với làng gốm cổ truyền - Điểm du lịch Kim Lan, du khách có dịp tham quan nhiều điểm đến ý nghĩa và trải nghiệm nghề làm gốm thủ công truyền thống cùng những người thợ tài hoa của Kim Lan, như: Bảo tàng gốm sứ Kim Lan - Bảo tàng khảo cổ học đầu tiên của cộng đồng ở Việt Nam, do chính quyền địa phương và nhân dân Kim Lan quản lý; Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gốm sứ Kim Lan gắn với du lịch (mô hình 4 sao). Ngoài ra, du khách còn có thể chiêm bái các điểm di tích lịch sử văn hoá đã được UBND thành phố xếp hạng như: Miếu Bản, đình, chùa Kim Lan, thưởng ngoạn cảnh quan thơ mộng, lãng mạn bên sông Hồng…
Hoàng Yến
Tin khác
Những dấu ấn “đầu tiên”, “nhất” và “cuối cùng” của Vinhomes Wonder City
Tập đoàn Thụy Điển dự kiến đầu tư 1 tỷ USD xây tổ hợp tái chế vải công nghệ cao tại Việt Nam
Thanh Hóa sắp có hơn 700 căn hộ nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành
Giá vàng và ngoại tệ ngày 24/4: Vàng SJC tiếp tục tăng
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ANTT dịp Lễ 30/4 - 1/5
Bộ Y tế đề nghị thu hồi toàn quốc 12 loại sữa bột giả
Dự báo thời tiết ngày 24/4: Bắc Bộ mưa dông về chiều tối, Trung Bộ nắng gay gắt
(THPL) - Hôm nay 24/4, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông. Trong khi đó, khu vực Trung Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng...24/04/2025 07:13:55Tạm dừng chuyên chở xe ô tô qua phà Đồng Bài, Hải Phòng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
(THPL) - Hải Phòng thông báo tạm dừng xe ô tô qua bến phà Đồng Bài sang đảo Cát Bà từ 26/4 đến 4/5 và các ngày nghỉ cuối tuần từ 10/5 - 30/7...24/04/2025 07:21:32Hải Phòng tổ chức hội thảo về phát triển du lịch đường thủy
(THPL) - Ngày 22/4, tại khách sạn Pullman Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch đường...24/04/2025 09:44:09Chương trình khai mạc du lịch hè Cô Tô năm 2025 sẽ diễn ra ngày 26/4
(THPL) - Theo kế hoạch, chương trình Khai mạc du lịch hè năm 2025 với chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời” sẽ diễn ra vào 20h ngày...24/04/2025 07:18:28