01:08 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành thuỷ sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2024

10:55 22/12/2023

(THPL) - Ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,5 tỷ USD trong năm 2024.

Theo chia sẻ của ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.

Riêng sản lượng khai thác chưa đạt chỉ tiêu đề ra là phải giảm còn 3,68 triệu tấn. Về nuôi trồng, riêng nuôi biển đạt khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% so với năm 2022, cùng với 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Giá trị xuất khẩu thủy sản tập trung vào: tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...

Ngành thuỷ sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2024, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước và xuất khẩu thủy sản chưa có chiều hướng tích cực ở năm sau. Nguyên nhân do nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục...

Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với ước năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.

Để vượt qua khó khăn về thị trường xuất khẩu, Cục trưởng Cục Thủy sản - ông Trần Đình Luân cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.

Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.

Liên quan đến quản lý khai thác thủy sản, theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cần hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử phục vụ truy suất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương.

Theo ông Trung, số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành, minh bạch nghề cá, qua đó quản lý vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn lực.

Phương Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu