15:42 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành Logistics Việt Nam cần nâng cao năng lực trong EVFTA

05:19 09/06/2020

(THPL) - Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thực thi sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ Logistics, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội tiếp cận thị trường EU, các doanh nghiệp Logistics Việt Nam sẽ phải vượt qua rất nhiều hạn chế chủ quan và khách quan.

Theo tổng kết từ Bộ Công Thương, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Mỗi năm, các cảng biển tại EU xử lý khoảng 4 tỷ tấn hàng hóa. Trong đó, lợi nhuận từ khâu vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường Logistics, lợi nhuận từ dịch vụ kho bãi là 11% và các dịch vụ Logistics khác khoảng 43%.

Khi  EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, tăng 42,7% vào năm 2025 và tăng khoảng 44,37% vào năm 2030. Cùng với đó, tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Thị trường xuất nhập khẩu song phương được mở rộng, kéo theo sự tăng trưởng của ngành Logistics, đặc biệt là dịch vụ Logistics quốc tế.

Ngành Logistics Việt Nam cần nâng cao năng lực trong  EVFTA 

Theo cam kết khi EVFTA được thực thi, thuế quan của Việt Nam đối với những phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động Logistics từ EU sẽ bị loại bỏ, các doanh nghiệp Logistics Việt Nam có thể mua những sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý, tiết kiệm chi phí đồng thời nâng cao khả năng tự thực hiện nhiều hoạt động trong quy trình Logistics, giảm bớt các dịch vụ thuê ngoài. Cùng với đó là cơ hội học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, tận dụng nguồn vốn và mạng lưới sẵn có của đối tác, khi các doanh nghiệp Logistics Việt Nam liên doanh với doanh nghiệp Logistics các nước thành viên EU.  

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, ngành Logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức rất lớn từ các doanh nghiệp Logistics EU.

Với lịch sử phát triển lâu đời, hình thành nên hàng loạt các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, Liên minh Châu Âu là đối thủ rất mạnh trong ngành logistics toàn cầu. Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực Logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Đức đứng vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong top 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ), chiếm 14 trong top 20 vị trí đầu bảng. Trên thực tế, hiện tại cũng đã có nhiều công ty Logistics trong bảng xếp hạng nêu trên đang hoạt động ở Việt Nam, và sức cạnh tranh sẽ tăng cao hơn nữa khi EVFTA đi vào thực thi.

Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia Logistics dự báo rằng khả năng tiếp cận thị trường EU của các doanh nghiệp Logistics Việt Nam không lớn do thị trường EU đã có sẵn các đối thủ mạnh, đồng thời khách hàng trong khối EU cũng  đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp Logistics Việt Nam quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa được đầu tư bài bản và chất lượng dịch vụ chưa đạt tiêu chuẩn EU.

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, để từng bước khắc phục hàng loạt hạn chế đó, những quyết sách của Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý Logistics phù hợp xu thế phát triển hiện nay của Việt Nam là rất quan trọng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, điện tử hóa khai hải quan, ứng dụng thương mại điện tử,  khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển và các chính sách hỗ trợ cho ngành Logistics, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của ngành Logistics. Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cũng cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, đoàn kết, hợp tác, chia sẻ. Nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn ngành Logistics nội địa trước những đối thủ lớn đến từ các công ty, tập đoàn Logistics trong liên minh Châu Âu.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu