19:19 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Phát triển logistics để nâng tầm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam

15:47 09/03/2017

(THPL) - Cùng một mặt hàng, các doanh nghiệp có thể sản xuất với chất lượng và giá cả tương đương nhau, nhưng ưu thế cạnh tranh lại chính là ở logistics. Dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng trình độ và mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp. Đây chính là “yếu điểm” trong cạnh tranh của DN trong nước với bạn bè quốc tế.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực logistics, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

Tuy chiếm số đông nhưng 80% doanh thu từ lĩnh vực này lại rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, lại nằm phân tán và thiếu sự liên kết, sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics còn yếu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tham gia tại thị trường Việt Nam là những doanh nghiệp rất lớn, có sự liên kết trên toàn thế giới và đang áp đảo về thị phần trong lĩnh vực logistics.

Chi phí logistics của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước khác, dẫn đến việc các mặt hàng trong nước mất ưu thế cạnh tranh. 

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, hiện vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp logistics chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 72% (vốn dưới 20 tỷ đồng) với số lượng lao động 30-40 người, trong đó chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, ở các quốc gia phát triển thì chi phí logistics chỉ chiếm khoảng 10% GDP, còn tại Việt Nam, chi phí này có thể lên tới trên 20% GDP, nghĩa là cao gần gấp đôi. Điều này dẫn đến việc các mặt hàng trong nước đang mất dần ưu thế cạnh tranh.

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ tập trung ở các địa phương trung tâm như Hà Nội, TP. HCM, còn khu vực được đánh giá là vựa lúa gạo, vựa thủy sản của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long thì chưa phát triển.

“Do đó, dẫn đến thực trạng chi phí vận chuyển một con tôm từ đồng bằng sông Cửu Long lên biên giới phía Bắc còn cao hơn từ Ecuador về Việt Nam”, ông Khánh cho biết.

Việt Nam có đủ điều kiện phát triển logistics, đưa hoạt động này lên một tầm cao mới bởi thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta đang rất sôi động, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 300 tỷ USD năm 2016.

Đây cũng là mục tiêu lớn nhất của Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 mới được Chính phủ ban hành.

Một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%- 10%. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP. Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Bảo Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu