01:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ngân hàng cảnh báo lừa đảo hỗ trợ COVID-19 để chiếm đoạt tiền

07:47 24/08/2021

(THPL) – Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo mà kẻ gian thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản trong thời gian dịch bệnh.

Báo Công an nhân dân đưa tin, mới đây, ngân hàng VPBank đã đưa ra 3 chiêu thức lừa đảo của tội phạm gần đây nhằm chiếm đoạt tiền của người dân, doanh nghiệp, đó là giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế với giao diện rất giống website của Bộ Y tế với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục “đăng ký xin trợ cấp”, người dùng sẽ cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)… Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn thứ hai là giả mạo email của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam gửi cho doanh nghiệp với nội dung “công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn. Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp và/hoặc đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Giao diện website lừa đảo mạo danh của Bộ Y tế. Ảnh: CAND

Chiêu lừa đảo tiếp theo là yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực chất là làm hợp đồng tín dụng/vay tiền của các Công ty tài chính. Đối tượng mà kẻ gian thường nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch… ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… nơi không có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời.

Trong các tình huống này, kẻ gian thuyết phục khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác, thậm chí đề nghị khách hàng gửi video ghi hình lại gương mặt để hỗ trợ nhận tiền trợ cấp. Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.

Trước các thủ đoạn trên, ngân hàng VPB khuyến nghị, mọi người tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, ảnh chụp, video clip quay cận cảnh khuôn mặt, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là Công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội. 

Theo báo Thanh niên, tương tự ngân hàng MB cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng và gửi thông tin cho khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản, từ đó yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho thanh toán đầu tiên rồi sau đó bỏ trốn. MB cho hay ngân hàng không nhận hồ sơ cho vay qua các trang mạng, ứng dụng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc qua bất cứ trung gian nào, đồng thời không yêu cầu khách hàng chuyển bất cứ khoản tiền nào trước khi giải ngân cho vay. Quy trình vay vốn tại ngân hàng được thực hiện đầy đủ các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ theo quy định. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Cũng với chiêu thức này, mới đây ngân hàng TPBank còn chỉ ra thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn đó là sau khi tư vấn cho khách hàng vay qua điện thoại, zalo, facebook, kẻ gian hướng dẫn khách hàng thao tác tải một số app giả mạo, được thiết kế tương tự các app/web của TPBank (ví dụ HCB). Để tạo sự tin tưởng, đối tượng có thể thực hiện làm giả, cắt dán chữ ký và con dấu của TPBank để làm thông báo gửi cho khách hàng hoặc tạo tài khoản Zalo/Facebook đăng tải nhiều hình ảnh cá nhân kèm thẻ nhân viên, bằng khen của CBNV TPBank/TPBank Fico.

Cuối cùng, kẻ gian sẽ yêu cầu khách hàng nộp phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay… vào một tài khoản cá nhân và chiếm đoạt số tiền này. Ngoài ra, kẻ gian còn thủ đoạn mạo danh nhân viên TPBank để gọi điện yêu cầu khách hàng thanh toán khoản nợ và chiếm đoạt tiền của khách hàng khi lấy được sự tin tưởng của khách hàng.

Trong mọi trường hợp, TPBank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật - như tên đăng nhập, mã OTP, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa eToken qua các đường dẫn (link)… Khi có những dấu hiệu bất thường trong giao dịch, khách hàng liên hệ trực tiếp với ngân hàng qua các số tổng đài để được hướng dẫn.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu