07:18 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Muốn thành lập trường đại học tư thục phải có 1.000 tỷ đồng

| 12:01 28/04/2017

(THPL) - Thủ tướng yêu cầu trường đại học tư thục phải được đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, không bao gồm giá trị đất xây dựng trường. Vốn này được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị.

Đó là một trong những nội dung của Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Trường đại học tư thục phải đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).

Theo đó, đối với việc thành lập trường đại học, Nghị định yêu cầu đề án thành lập trường đại học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới các trường đại học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với trường đại học công lập, khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định. Đối với trường đại học tư thục, khuyến khích thành lập trường hoạt động không vì lợi nhuận.

Chính phủ quy định, khi thành lập trường phải có diện tích xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển.

Đối với trường công lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch và đối với trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây trường); vốn đầu tư được các định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan đó thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Đồng thời, có dự kiến cụ thể về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, trình độ đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với lộ trình để mở mã ngành và tuyển sinh đào tạo trong đề án thành lập trường.

Đối với việc thành lập phân hiệu của trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.

Nghị định có hiệu lực từ 21/4/2017. Những đề án thành lập trường đại học đã có chủ trương thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực, còn thời hạn cho phép thì không áp dụng quy định về mức vốn tối thiểu theo quy định mới.

Nghị định cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các đề án thành lập trường đại học đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Trong hơn 400 trường đại học, cao đẳng cả nước hiện nay có tới hơn 300 trường được thành lập, nâng cấp trong hơn chục năm trở lại đây. Việc mở trường ồ ạt này khiến chất lượng giáo dục xuống thấp, gây bức xúc dư luận.

Hiện nay, Việt Nam có 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước. Ước tính các trường này gánh đỡ cho ngân sách nhà nước 50-60 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập còn nhiều hạn chế như: chưa đi vào những vấn đề chiến lược phát triển lâu dài, chưa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín. Rất nhiều trường dân lập xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp làm uy tín nhà trường giảm sút và tuyển sinh ngày một khó…

Minh Hải (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu