01:55 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Mức thuế nhiên liệu bay hỗ trợ ngành hàng không sẽ áp dụng từ ngày 1/8

Phương Linh (tổng hợp) | 20:25 15/07/2020

(THPL) - Chiều 14/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2, mục I của Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Nghị quyết quyết nghị: mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/1/2021.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Theo báo Công luận đưa tin, trước đó, trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ: Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh tại các quốc gia nhiều khả năng vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là các chuyên gia, nhà ngoại giao, chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch. Do tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động.

Mức thuế nhiên liệu bay hỗ trợ ngành hàng không sẽ áp dụng từ ngày 1/8/2020 (ảnh minh họa)

Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật thuế Bảo vệ môi trường thì việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết.

Theo đó, việc giảm từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020 sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay, cụ thể giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 900 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 990đồng/lít, sẽ làm số thu bảo vệ môi trường giảm khoảng 72-80 tỷ đồng/tháng.

Theo tờ trình thì tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2019 khoảng 260.728 tỷ đồng, bình quân khoảng 32.591 tỷ đồng/năm. Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn2015-2019 là 2.939 tỷ đồng/năm.

Theo báo Đầu tư cho hay, thẩm tra nội dung Chính phủ trình, một số ý kiến tại Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nhiên liệu bay không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và thực tế hiện nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp sản phẩm nhiên liệu bay. Do đó, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi  trường đối với nhiên liệu bay nhưng có thể các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu không giảm giá bán thì các doanh nghiệp vận tải hàng không cũng không được hưởng lợi từ chính sách này.

Giải đáp vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói, Nghị quyết đã giao Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, giám sát để đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết này và sẽ bảo đảm các doanh nghiệp vận tải hàng không được hưởng lợi từ việc giảm thuế.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam về thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).   

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu