07:09 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Luật Thanh niên và Luật Hòa giải, đối thoại tại toà án chính thức được thông qua

Phương Anh (tổng hợp) | 17:01 16/06/2020

(THPL) - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 16/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Trước khi biểu quyết từng dự án Luật, các cơ quan thẩm tra báo cáo về việc tiếp thu, bổ sung ý kiến của các ĐBQH.

Theo báo Lao động, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

Dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “…rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội…”.

Để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Chiều ngày 16/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Nguồn: Quochoi.vn)

Cách quy định như dự thảo Luật bảo đảm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, không chồng chéo với các luật chuyên ngành, đồng thời tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên khẳng định, phát huy và cống hiến.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) có 441/449 đại biểu tham gia tán thành (chiếm tổng số 91,3% đại biểu Quốc hội).

Sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự luật với 90,27% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật quy định, các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ; Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại; Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật này; Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc; Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.

Đồng thời Luật quy định "tiếng nói và chữ viết" dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình. Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về bảo mật thông tin, Luật quy định rõ: Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo Luật, việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hòa giải thành, đối thoại thành; Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung tranh chấp, khiếu kiện hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp, khiếu kiện nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của tranh chấp, khiếu kiện; Một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại; Trong quá trình hòa giải, đối thoại phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong quá trình hòa giải, đối thoại; Người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

Với 04 Chương, 42 Điều, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu