04:22 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hòa Bình: UBND huyện Lương Sơn có đang tạo điều kiện để doanh nghiệp kéo dài sai phạm?

11:11 25/11/2020

(THPL) - Mặc dù chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh tại địa chỉ thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), tuy nhiên tại đây, Công ty CP Sữa chua trân châu Hạ Long lại tự ý sản xuất, thậm chí còn ngang nhiên xây dựng 1 trạm biến áp trên diện tích đất do UBND xã Nhuận Trạch quản lý. Sai phạm này dẫn đến những hệ lụy về nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ trong địa bàn khu dân cư. Điều đáng nói, phía UBND huyện Lương Sơn lại đang có những dấu hiệu hợp thức hóa sai phạm cho doanh nghiệp?

Cho doanh nghiệp cơ hội “gạo nấu thành cơm”?

Theo báo cáo số 68/BC-UBND của UBND xã Nhuận Trạch, năm 2019, ông Đỗ Mạnh Hà (tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn) có nhận quyền sử dụng đất của 03 hộ gia đình. Sau đó ông Đỗ Mạnh Hà đã chuyển quyền sử dụng đất của 03 thửa trên cho 03 cá nhân khác, gồm các ông: Nguyễn Trung Tuấn, Lê Hồng Huy, Phạm Mạnh Hà – là các thành viên của Công tyCP Sữa chua trân châu Hạ Long. Cũng từ năm 2019, các cá nhân trên tự xây dựng nhà ở và nhà xưởng; xây dựng trạm biến áp.

Ngày 26/5/2020, tổ công tác của UBND xã Nhuận Trạch đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với người quản lý công trình xây dựng nêu trên. Tổ công tác đã đề nghị phía Công ty CP Sữa chua trân châu Hạ Long hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về xây dựng, môi trường, đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm…; yêu cầu tạm dừng sản xuất khi chưa đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Ngày 27/5/2020, UBND xã Nhuận Trạch đã lập báo cáo gửi về phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lương Sơn về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã để được giúp đỡ. Tuy nhiên, mãi tới ngày 23/7/2020, phòng Kinh tế hạ tầng mới lập biên bản vi phạm hành chính số 12/BB-VPHC đối với ông Nguyễn Trung Tuấn. Và đến ngày 28/7/2020, UBND huyện Lương Sơn mới ban hành quyết định số 2438/QĐ-XPVPHC trong lĩnh vực xây dựng đối với ông Nguyễn Trung Tuấn về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng (xây xưởng sản xuất với tổng diện tích xây dựng khoảng 1.190 m2) với mức phạt bằng tiền là 20 triệu đồng.

Trên thực tế, trước thời điểm xã Nhuận Trạch, UBND huyện Lương Sơn tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, nhà xưởng nêu trên đã được hoàn thành từ trước và đã đi vào hoạt động sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật trong buổi làm việc ngày 28/10/2020, ông Hoàng Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch thừa nhận phía xã có sự chậm trễ trong kiểm tra, giám sát. Vì thế mãi tới thời điểm tháng 5/2020 mới báo cáo lên huyện.

Khi được hỏi tại sao xã Nhuận Trạch báo cáo huyện từ tháng 5, nhưng mãi tới tháng 7, phía UBND huyện mới tiến hành kiểm tra, lập văn bản vi phạm và ra quyết định xử phạt? thì cả đại diện lãnh đạo huyện lẫn các cán bộ phòng ban đều không trả lời được.

Từ những vấn đề bất cập nêu trên khiến cho chúng tôi nghĩ đến việc phải chăng, sự chậm trễ vào cuộc từ cả phía xã, lẫn phía huyện là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội “gạo nấu thành cơm”, hoàn tất quá trình sai phạm về xây dựng.

Quyết định ban hành cho có!

Quyết định số 2438/QĐ-XPVPHC được ông Nguyễn Văn Danh ký ngày 28/7/2020 (thời điểm đó ông Danh là Phó Chủ tịch UBND huyện, nay ông là Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn) có đề cập đến biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính thì ông Nguyễn Trung Tuấn (người vi phạm) phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, ông Nguyễn Trung Tuấn không xuất trình với người ra quyết định xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình và dừng cung cấp điện để đảm bảo an toàn cho công tác tháo dỡ.

Thực tế, thời điểm ra Quyết định số 2438/QĐ-XPVPHC, phía ông Nguyễn Trung Tuấn đã xây dựng xong nhà xưởng, công ty đã đi vào hoạt động, vì vậy việc làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng là chuyện hết sức vô lý. Cần phải nói thêm, thửa đất mà ông Nguyễn Trung Tuấn xây dựng nhà xưởng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp; mặt khác thửa đất này nằm trong khu dân cư, không nằm trong khu vực quy hoạch cụm công nghiệp hay khu công nghiệp.

Một điều hết sức lạ lùng là đã quá thời hạn 60 ngày (28/7-28/9) kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt nêu trên, phía UBND huyện Lương Sơn vẫn không ban hành bất cứ thông báo nào về việc cưỡng chế đối với nhà xưởng mà phía cá nhân ông Nguyễn Trung Tuấn xây dựng. Vấn đề này đã được phóng viên Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật đặt ra tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn ngày 28/10/2020, tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời. Phải chăng Quyết định số 2438/QĐ-XPVPHC, trên thực tế chỉ được ban hành cho có.

Theo đại diện lãnh đạo huyện Lương Sơn, về cơ bản nhà xưởng của Công ty CP Sữa chua trân châu Hạ Long đặt tại địa chỉ thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch là không phù hợp với quy hoạch và gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy chắc chắn sẽ phải tiến hành dừng hoạt động, tháo dỡ. Tuy nhiên, trao đổi ngày 21/11/2020, phía ông Nguyễn Đức Thắng – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thông tin rằng, hiện này phía huyện đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xem xét trường hợp của Công ty CP Sữa chua trân châu Hạ Long. Nếu đúng như vậy thì đây lại là động thái khó hiểu. Khó hiểu ở chỗ: xã, huyện để sai phạm kéo dài, không có sự kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời, rồi giờ đây lại đẩy lên tỉnh chờ sự chỉ đạo để giải quyết sai phạm đó. Vậy vai trò quản lý của chính quyền cơ sở ở đâu?

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu