17:54 ngày 07/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lùm xùm những chuyện bất thường tại Cty TNHH-MTV Điện lực Hải Dương (Kỳ 3): Từng có dấu hiệu thông thầu, nâng giá?

10:46 12/03/2017

(THPL) - Yếu kém trong công tác quản ký, giám sát… dẫn đến việc nhà thầu "qua mặt" để xảy ra tình trạng thi công công trình kém chất lượng ở dự án "Cải tạo và nâng cấp nhánh Liên Hòa A sau trung gian Kim Thành B lên cấp điện áp 35KV" không phải sai phạm lần đầu. Lật lại hồ sơ tại Điện lực Hải Dương, còn hàng loạt sai phạm khác khác đang dần lộ diện, như sự "sai" đang trở thành chuyện thường nhật ở đây!

Cạnh tranh bằng giá cao vẫn… trúng thầu?!

Năm 2012, Điện lực Hải Dương được đầu tư 4 dự án "Cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn" gồm: huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Cẩm Giàng + huyện Bình Giang, huyện Thanh Hà + TP Hải Dương. Ở 4 dự án này, Điện lực Hải Dương đã tổ chức 2 gói thầu mua sắm cáp vạn xoắn. Quá trình tổ chức đấu thầu, Cty CP dây và cáp điện Thượng Đình (gọi tắt là Cty Thượng Đình) là đơn vị trúng thầu cả 2 gói thầu trên. Sau khi trúng thầu, Cty Thượng Đình và Điện lực Hải Dương đã ký kết 2 Hợp đồng mua bán hàng hóa gồm:

  1. Hợp đồng mua bán hàng hóa số 1160/HĐKT-PCHD-CADISUN được ký vào ngày 11-6-2012 với tổng giá trị hợp đồng là 1.663.794.000 đồng (Đơn vị trúng thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh).
  2. Hợp đồng mua bán gói thầu mua sắm: Cung cấp cáp vạn xoắn cho 9 gói thầu thuộc 4 dự án "Cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn" các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Cẩm Giàng + Bình Giang, Thanh Hà + TP Hải Dương. Hợp đồng mang số 537/ĐLHD-P2-HĐMB được ký kết ngày 15-8-2012 với tổng giá trị hợp đồng là 10.983.871.000 đồng (Đơn vị trúng thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi).

Hơn 2 tháng sau khi ký hợp đồng số 1160/HĐKT-PCHD-CADISUN, và 3 tuần sau khi ký hợp đồng số 537/ĐLHD-P2-HĐMB, Điện lực Hải Dương lại gửi công văn đề nghị Cty Thượng Đình giảm giá bán hàng. Cụ thể, tại văn bản số 5108/CV-HDPC-P2 ngày 7-9-2012, Điện lực Hải Dương nêu: "Sau khi xem xét đơn giá của cùng một chủng loại cáp vạn xoắn thuộc hai hợp đồng nêu trên, và đơn giá của các nhà cung cấp cáp vạn xoắn khác trên thị trường trong khoảng thời gian này, Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương nhận thấy có sự chênh lệch quá nhiều về đơn giá… Với sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác lâu dài giữa hai Cty trong nhiều năm qua, Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đề nghị ông Tổng Giám đốc Cty CP dây và cáp điện Thượng Đình xe xét giảm giá bán…".

Câu hỏi đặt ra cho Điện lực Hải Dương là: Nếu giữa Điện lực Hải Dương và Cty Thượng Đình hiểu biết lẫn nhau, hợp tác với nhau đã nhiều năm, mà lại là đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh thì tại sao Điện lực Hải Dương là "dính bẫy" đội giá của Cty Thượng Đình? Liệu có nằm ngoài nguyên nhân là vì cái "bắt tay" nào đó khiến Cty Thượng Đình mặc dù "cạnh tranh" với giá cao vẫn trúng thầu??? Nếu không có chuyện một nhà thầu trúng 2 gói thầu, nhưng giá thành của 2 gói thầu của cùng một sản phẩm chênh lệch quá lớn thì Điện lực Hải Dương có làm "động tác giả" là đề nghị giảm giá hàng hóa ở một gói thầu?

Để cho đơn vị chào hàng cạnh tranh với giá cao vẫn trúng thầu đang đặt ra nghi vấn có dấu hiệu thông thầu, nâng giá tại Điện lực Hải Dương

Hàng trăm nghìn m2 đất bị thu lời bất chính?

Công ty Điện lực Hải Dương là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với 18 đơn vị trực thuộc. Từ khi đi vào hoạt động, công ty đã được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê và giao không thu tiền với tổng diện tích đất lên tới hơn 375.000 m2 đất. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, có 130 nghìn m2 đất được UBND tỉnh Hải Dương giao không thu tiền sử dụng đất để xây dựng 1.945 điểm trạm, máy biến áp nhưng Điện lực Hải Dương không có đầy đủ hồ sơ về đất nên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không những thế, Điện lực Hải Dương còn sử dụng nhiều diện tích đất để cho các doanh nghiệp khác thuê lại trái quy định để thu lời bất chính. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Hải Dương thuê 81m2 tại trụ sở chính của Điện lực Hải Dương (số 33, đại lộ Hồ Chí Minh, TP Hải Dương) để làm văn phòng giao dịch; Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL - Chi nhánh Hải Dương thuê 198m2 tại Trung tâm Thí nghiệm điện; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Hải Dương thuê 70m2 tại trụ sở Chi nhánh điện Chí Linh… Khi đó, 4 đơn vị nói trên thuê lại 599m2 đất của Điện lực Hải Dương để làm văn phòng, việc này hoàn toàn không đúng với mục đích sử dụng đất được UBND tỉnh Hải Dương giao.

Năm 2008, Điện lực Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê 8.635m2 đất tại thị trấn Phả Lại để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng xưởng sản xuất cột điện. Tuy nhiên, gần 10 năm kể từ khi được thuê đất, Điện lực Hải Dương không thực hiện dự án. Hay 906m2 đất tại vị trí Tổ điện Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh bị biến thành bãi trông giữ ô tô…

Những sai phạm về sử dụng đất đai vốn tồn tại ở Điện lực Hải Dương đã bị Sở TN&MT Hải Dương "tuýt còi" từ giữa năm 2016. Nhưng không biết vì lý do gì mà sang đến quý IV năm 2016, Điện lực Hải Dương vẫn chây ì, không chịu báo cáo hay có biện pháp khắc phục.

Những sai phạm, tồn tại trên đây tại Điện lực Hải Dương là do đâu? Số tiền thu lời bất chính từ những diện tích đất bị sử dụng sai mục đích chui vào túi ai? Còn bao nhiêu sai phạm, thể hiện năng lực và trách nhiệm trong công tác quản lý của những người được giao nhiệm vụ tại Điện lực Hải Dương mà đã được các cơ quan chức năng "vạch mặt chỉ tên"?

PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ làm việc với người đứng đầu của Điện lực Hải Dương để làm rõ những nghi vấn trên.

THPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc?

Nguyễn Khuê - Nguyễn Đức

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu