19:40 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Tuấn Minh (t/h) | 13:42 25/08/2022

(THPL) – Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Mặc dù còn hơn 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu đã khá sôi động, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, giúp người mua có nhiều sự lựa chọn, Nhưng tại một số địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, … đã phát hiện và thu giữ lượng lớn bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Theo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, ngày 24/8, Đội QLTT số 6 phối hợp với Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389 tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh trên (địa chỉ số 61 Đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn), phát hiện tại đây đang bày bán 4 loại hàng hóa thuộc nhóm hàng thực phẩm bao gói sẵn sản xuất ngoài Việt Nam.

Trong đó có 720 chiếc bánh trung thu nhân đậu xanh (loại 30g/chiếc), 2.000 xúc xích cay ăn liền (loại 40g/chiếc), 2.400 xúc xích bi ăn liền (loại 22g/túi), 1.600 chiếc chân gà cay ăn liền (loại 32g/chiếc). Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 khẩu súng nhựa đồ chơi trẻ em không đảm bảo an toàn sử dụng.

Theo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Ngoài mức phạt 10.750.000 đồng, Đội QLTT số 6 buộc hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên trước sự giám sát của lực lượng chức năng.

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện bánh Trung thu trôi nổi. Ảnh: Internet

Theo báo An ninh Thủ đô, sáng 24/8, tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là Nguyễn Thị Bích N (SN 1993, quê Quảng Ninh) cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên N. đã thu mua các loại bánh trung thu trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Tạp chí Giáo dục Việt Nam đưa tin, trước thực trạng trên, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, ngày 24/8/2022, Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn số 784 đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Trong đó, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, bánh mứt kẹo các loại khác, nước giải khát; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ; việc quảng cáo, bán hàng online trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Tăng cường giám sát chủ động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, xác định sản phẩm không bảo đảm an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để theo đúng quy định.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới theo các chương trình, kế hoạch của ban chỉ đạo địa phương đã ban hành và Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Phối hợp với cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền thông tin về hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Sở Y tế, của đơn vị để mọi người dân biết.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu phát hiện các trường hợp vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, …. yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm, đề nghị chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu