15:53 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Lễ hội Khai ấn đền Trần: Nơi gìn giữ, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

21:21 02/02/2023

(THPL) - Sau ba nǎm (2020-2022) bị tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định) đã trở lại vào xuân Quý Mão 2023. Lễ hội kéo dài trong 5 ngày từ ngày 11 tháng Giêng đến hết 16 tháng Giêng (tức 1/2/2023 đến 6/2/2023).

Lễ hội Khai ấn đền Trần là lễ hội truyền thống được tổ chức để nhằm tưởng nhớ ghi ân Vương triều nhà Trần đã có công ba lần đánh bại quân Nguyên Mông, thành công giữ gìn bờ cõi Đại Việt, mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời. Lễ hội tổ chức hàng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt đền Trần - chùa Tháp, Nam Định.

Nguồn gốc của lễ hội này bắt đầu từ sau sự kiện "Vườn không nhà trống" trong lần đánh quân Nguyên Mông lần thứ nhất nǎm 1258. Nhờ chiến lược kịp thời và đúng đắn của vua Trần Thái Tông, quân và dân ta đã có thể huy động sức mạnh toàn dân cũng như lợi dụng được sơ hở của kẻ địch nên chiến thắng trước chúng, thành công bảo toàn lãnh thổ. Vua đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho quan và quân tại phủ Thiên Trường để ǎn mừng thắng lợi vào ngày 14 tháng Giêng âm lich.

Lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định) đã trở lại vào xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Internet

Các vua Trần về sau chọn ngày 14 tháng Giêng để tổ chức nghi lễ "khai ấn" để tế lễ đất trời, tổ tiên, mở đầu cho một năm làm việc mới của chính quyền. Văn hóa tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay, mang ý nghĩa lớn lao dung hòa giữa tôn giáo và tín ngưỡng, giáo dục con cháu thế hệ sau về sự quan trọng của ghi nhớ nguồn cội, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Như thường lệ, mở đầu lễ hội Khai ấn Đền Trần là nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ diễn ra sáng 1/2 (11 tháng Giêng năm Quý Mão). Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần. Ngoài ý nghĩa tâm linh là rước Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về bái tổ tiên triều và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ, nghi lễ này còn mang ý nghĩa tri ân công đức các bậc tiên tổ, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.

Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Ảnh: Internet

Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ với đoàn rước khoảng 200 người, đi đầu là đoàn cờ ngũ sắc, nghi trượng, dàn bát âm, tiếp đến là kiệu sứ giả và cuối cùng là các phật tử tụng kinh. Đoàn rước kiệu Ngọc Lộ xuất phát từ Đền Trần tới Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp) tổ chức các nghi lễ tại đây, sau khi rước chân nhang, đoàn rước quay trở về Đền Trần và tiếp tục thực hiện nghi lễ tại Đền Thiên Trường.

Cùng với Lễ rước kiệu Ngọc Lộ còn có Lễ rước Nước tế Cá diễn ra vào 2/2 (12 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ rước Nước, tế Cá là nghi lễ quan trọng, tái hiện các nghi lễ truyền thống được thực hiện từ xa xưa tại Đền Trần. Nghi lễ này ngoài việc tri ân công lao của triều đại Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước và cư dân làng chài, còn mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Theo thông lệ, từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng hàng năm sẽ diễn ra các nghi thức: Dâng sớ, thỉnh chân nhang tại Đền Cố Trạch; sau đó tổ chức rước kiệu ra giếng Rồng, tiến hành nghi thức lấy nước. Đoàn rước gồm: Đội rước rồng, lân; chiêng, trống, đội bát âm, kiệu rước Nước, kiệu rước Cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ như vó, giậm, nơm…; kiệu Thánh, đội tế nam quan, đội tế nữ quan. Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh giếng Rồng, đánh bắt hai loại cá Triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép), đựng trong những chiếc thúng sơn đỏ để chuyển đến kiệu Rồng.

Sau các nghi thức, đoàn bắt đầu rước Nước và rước Cá về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng Nước và tế Cá. Tiếp theo, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc). Nghi lễ phóng sinh cá ra sông Hồng có ngụ ý, tổ tiên nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới nên phải nhân nuôi đàn cá để khai thác lâu dài chứ không được tận diệt nguồn lợi thiên nhiên.

Lễ rước Nước, tế Cá mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hoà được tổ chức sáng nay trong Lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định). Ảnh: Internet

Đáng chú ý, nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23h15 tại ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng).

Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng… Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55 cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày Rằm tháng Giêng bắt đầu phát "lộc ấn" cho nhân dân và du khách thập phương.

Đặc biệt, trong lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức như: múa lân, sư, rồng, hát chèo, chầu văn, đấu vật, võ thuật, chọi gà, múa rối nước…

Năm nay, người đến tham gia và xem Lễ hội Khai ấn đền Trần đông hơn hẳn các nǎm trước nên để đảm bảo an toàn, người dân và khách du lịch đến xem lễ hội đều được yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm túc các hoạt động bảo vệ sức khỏe như trong thời gian chống dịch Covid-19.

Trước đó, UBND TP. Nam Định cũng đã chuẩn bị các phương án duy trì trật tự đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lễ cầu may đầu năm của người dân và khách du lịch. Theo đó, Ban tổ chức đã đặt 16 camera giám sát tại đền Thiên Trường cùng 5 vòng lực lượng an ninh, bảo đảm nhanh chóng phát hiện và xử lý các hoạt động vi phạm quy định tại nơi tổ chức lễ hội. Cùng với đó, để tránh tiêu cực, các địa điểm trông xe, bán hàng hay kinh doanh dịch vụ xung quanh và trong nơi tổ chức lễ hội đều được ban tổ chức kiểm tra và phổ biến quy định kỹ càng.

Quỳnh Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu