10:00 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lạm phát cao, suy thoái kinh tế tác động đến đà hồi phục của ngành thuỷ sản

Phương Anh (T/h) | 15:53 08/06/2023

(THPL) - Hiện nay, có nhiều yếu tố cản trở đà phục hồi ngành thủy sản Việt Nam như lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến sức tiêu thụ thủy sản của các thị trường truyền thống suy yếu hay xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc khó tăng trưởng mạnh.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2,57 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh từ 10-41% do nhu cầu thị trường chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao, suy thoái kinh tế khiến cả lượng xuất khẩu và giá bán bình quân đều giảm.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, 4 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. 4 thị trường này chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 444 triệu USD.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ giảm 51% so với cùng kỳ xuống còn 412 triệu USD do tồn kho cao cùng với nhu cầu tiêu thụ yếu. Đây là thị trường xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2023.

Lạm phát cao, suy thoái kinh tế tác động đến đà hồi phục của ngành thuỷ sản. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến thị trường Mỹ, chứng khoán VNDirect phân tích, nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và suy thoái kinh tế, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm. Horeca (Khách sạn-Nhà hàng-Café), một trong những kênh tiêu thụ chính của các sản phẩm thủy sản cũng có triển vọng khá ảm đạm trong thời gian tới.

Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thủy sản suy yếu do lạm phát cao, lượng hàng tồn kho cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhập khẩu thủy sản của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tồn kho tại thị trường này vẫn ở mức cao nên các nhà nhập khẩu phải giảm hoặc ngừng đặt hàng mới trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023.

Dự báo nhu cầu thủy sản của Mỹ có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi lạm phát giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2023, theo ước tính của VNDirect.

Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này chưa được như kỳ vọng khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 364 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ do sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra. Thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm đáng kể so với năm 2022, chỉ chiếm 4,2% trong quý 1/2023 từ mức 8,8% trong năm 2022.

Sản phẩm tôm của Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ khi thế mạnh của hai quốc gia này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Trung Quốc tăng cường thu mua tôm từ các nước khác trong khi giảm đặt mua các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Cụ thể, lượng tôm nhập khẩu từ Ecuador tăng 43% so với cùng kỳ; từ Ấn Độ tăng 16%; từ Argentina tăng 205% trong quý 1/2023.

Đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam, VNDirect nhận thấy giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 68% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2023. Hiện người dân Trung Quốc cũng đang có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023 khi các hộ gia đình có thể phải thắt chặt chi tiêu để trả nợ trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục. Do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Liên quan đến ngành thuỷ sản, trước đó TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế phân tích: Trong quý IV/2022 và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi bán qua những nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ. Các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng.

Còn theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, Cục đã nhận được phản ánh về tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn có thể chỉ trong nhất thời. Hiện nay, nhiều DN cũng chuẩn bị nắm bắt các cơ hội khi thị trường phục hồi.

Khâu nuôi trồng thủy sản vẫn đang ổn định, chưa phải mùa thu hoạch nên khâu tiêu thụ chưa phát sinh vấn đề gì khó khăn. Đối với thủy sản, thời gian nuôi đến thu hoạch kéo dài, Bộ NN&PTNT không khuyến cáo nông dân giảm hay giãn đàn vào thời điểm này mà chỉ khuyến cáo chung là khi sản xuất phải liên kết chặt chẽ với DN và bên thu mua để bảo đảm đầu ra.

Trước những khó khăn, thách thức phải đối diện, năm 2023, ngành thủy sản đặt  mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD (thấp hơn 1 tỷ USD so với năm 2022). Nêu lên lý do của con số mục tiêu này, các chuyên gia trong ngành nhận định, yếu tố chi phối nhất đến xuất khẩu chính là thị trường. Do đó, sự bất ổn của thị trường nhập khẩu sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2023 không đạt được mức kỷ lục như năm 2022.

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để vượt khó khăn, rào cản, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là thuế xuất nhập khẩu.

Phương Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu