10:11 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làm gì để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thực sự lớn mạnh?

17:24 16/10/2022

(THPL) - Cùng với sự dịch chuyển của nhiều tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế bởi nhiều nguyên do.

Tự hào công xưởng Châu Á: Nghịch lý doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc chơi

Theo VietNamnet, đại gia công nghệ hàng đầu của Mỹ đang dịch chuyển chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam và Ấn Độ. Hiện Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng công ty đối tác của Apple. Thời gian tới, thứ hạng của Việt Nam được dự đoán còn tăng. Đây là cơ hội lớn, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo vẫn khó nhập cuộc.

Trong danh sách hơn 200 đối tác cung cấp linh kiện cho công ty Apple (Mỹ), có 25 doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các đối tác của Apple tại Việt Nam đều là công ty nước ngoài, không có doanh nghiệp trong nước nào tham gia.

Việt Nam hiện cũng là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp điện tử, với hàng chục tỉ USD. Nhiều hãng điện tử hàng đầu thế giới rót vốn lớn vào Việt Nam, như: Samsung, LG, Panasonic, Intel, Canon, Foxconn,...

Việt Nam là trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới về điện tử, nhưng sự tham gia của các công ty Việt vào công xưởng này rất hạn chế. Ảnh minh họa

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, ngành điện tử có kim ngạch xuất khẩu hơn 100 tỷ USD, trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 51 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này cao nhất thế giới. Đến nay các sản phẩm điện tử và linh kiện đã trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 10%, với các linh kiện giản đơn dễ làm. Số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

Samsung Việt Nam đến nay có hơn 40 nhà cung cấp thuần Việt trong khi có hàng trăm linh kiện cần nội địa hóa. Canon Việt Nam có 147 nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng trong số này chỉ có hơn 20 nhà cung cấp thuần Việt...

Có thể nói, Việt Nam là trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới về điện tử, nhưng sự tham gia của các công ty Việt vào công xưởng này rất hạn chế.

Làm gì để Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thực sự lớn mạnh?

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...

Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu lại là các doanh nghiệp tư nhân nên khả năng tài chính yếu, vốn tự có thấp. Những điều này đã khiến nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật, trong các chuỗi cung ứng lớn quy mô toàn cầu.

Vì những lý do trên, Lãnh đạo VCCI khẳng định đã đến lúc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần riêng một đạo Luật.

Đồng quan điểm, đại điện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc ban hành Luật dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần chú trọng đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới..

Làm gì để Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thực sự lớn mạnh? Ảnh minh họa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, mong muốn, chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm ra đời, để hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp về vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng,... cũng như kết nối đầu ra với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần chủ động tìm kiếm giải pháp tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc, thiết bị; đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh thay đổi quy trình công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại và cải thiện năng suất lao động. 

Thắng Nguyễn (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu