19:26 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kon Tum: Những chiếc cầu nhân ái "nối" lòng dân

Hàn Hưng | 10:57 06/05/2021

(THPL) - Chỉ với kinh phí hơn 20 triệu đồng cùng với sự đóng góp ngày công của người dân, UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã làm được cây cầu treo dân sinh đi khu sản xuất cho gần 70 hộ dân trên địa bàn xã. Việc làm này đã đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của người dân trong bối cảnh địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Thôn Lê Văng là một trong những thôn khó khăn của xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Toàn thôn có 66 hộ dân, 220 nhân khẩu, trong đó 25 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ xấp xỉ 38%).

Theo ông Bùi Văn Viên- Chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho hay: "Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ hộ nghèo trong thôn Lê Văng cao là do khó khăn về đường đi khu sản xuất. Cụ thể, toàn bộ diện tích trồng lúa, nương rẫy và khu chăn thả gia súc (gần 400 con trâu, bò) của người dân cách thôn khoảng 6km. Để đến được khu sản xuất bà con trong thôn chủ yếu đi bộ vì phải lội qua 4 con suối và ngầm nước, xe máy không thể đi lại được. Tại mỗi con suối, người dân quyên góp làm "cầu khỉ" để đi lại vào mùa mưa do nước suối dâng cao".

Những chiếc cầu nhân ái nối lòng dân (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

“Hàng hóa nông sản người dân sản xuất được đều phải mang vác, cõng về quảng đường dài nhiều km ra đến đường chính mới chở xe được, do vậy giá trị hàng hóa làm ra rất thấp vì tốn nhiều công vận chuyển. Bà con nhiều lần kiến nghị mong muốn làm cầu treo để đi khu sản xuất thuận tiện hơn, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, do địa phương khó khăn về kinh phí nên vẫn chưa thể bố trí để đầu tư”, ông Viên cho biết.

Trước thực trạng trên, sau khi tham khảo những mô hình cầu treo ở các tỉnh miền Tây, đầu năm 2021, UBND xã Đăk Na xin chủ trương của huyện Tu Mơ Rông, rồi tiến hành họp dân bàn phương án làm cầu treo tạm trong khi chờ kinh phí đầu tư từ nhà nước. Theo đó, UBND xã trích kinh phí khoảng 20 triệu đồng để hỗ trợ mua vật liệu gồm: xi măng, sắt, thép… đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ cùng với đóng góp ngày công của bà con. Chỉ trong khoảng thời gian 1 tuần, chiếc cầu treo “giá rẻ” đầu tiên đã được hoàn thành trong sự vui mừng, phấn khởi của bà con thôn Lê Văng.

Người dân phấn khởi vì đã có cầu mới đi khu sản xuất (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Chị Y Dâu, thôn Lê Văng vui mừng, cho biết: “Bà con mong muốn có cầu treo đi khu sản xuất lâu rồi nhưng chưa được, đến khi huyện, xã họp dân huy động làm cầu bà con mừng lắm, ai cũng ra phụ giúp làm sau 1 tuần là làm xong. Bây giờ có cầu, có thể chạy xe máy lên gần rẫy, khi thu hoạch lúa, mỳ (sắn) đều chở bằng xe máy, không còn vác lên vai đi bộ như ngày xưa nữa”.

Ông A Biếu, thôn trưởng thôn Lê Văng phấn khởi: “Từ khi có cầu treo bà con trong thôn vui mừng lắm. Vì toàn bộ nương rẫy, rồi gia súc của thôn đều đi hướng này, có cầu, đi lại thuận lợi, kinh tế của bà con sẽ phát triển hơn. Từ khi làm xong cầu, các vấn đề họp dân, kêu gọi dân bà con đều ủng hộ, thực hiện. Vì họ tin tưởng vào chính quyền”.

Ông Bùi Văn Viên- Chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho biết, nếu về mặt quản lý nhà nước làm cầu treo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì kinh phí sẽ tốn tiền trăm, tiền tỉ. Trong lúc chờ nhà nước đầu tư, chính quyền địa phương hỗ trợ cho bà con cây cầu tốt hơn và an toàn hơn cầu cũ cho người dân đi lại. Về độ bền trước mắt sẽ được 4 hoặc 5 năm trong khi chờ nhà nước đầu tư, thứ 2 nữa là bà con đồng lòng làm để phục vụ cho chính nhu cầu của họ.

“Sau khi hoàn thành cây cầu đầu tiên thì xã nhận được lời động viên và ủng hộ của rất nhiều người. Họ đồng ý hỗ trợ làm thêm những cây cầu giá rẻ khác cho người dân đi lại. Đến nay xã đã nhận hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ các mạnh thường quân, dự kiến sắp tới sẽ tiến hành họp dân và làm thêm 3 cây cầu nữa”, ông Viên cho hay.

Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông: "Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng hơn 30 cây cầu treo dân sinh, cầu treo đi khu sản xuất xuống cấp, hư hỏng cần đầu tư, khắc phục. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, mỗi năm huyện chỉ có thể sửa chữa, đầu tư khoảng 6 cây cầu. Trong bối cảnh đó, thì việc xã Đăk Na linh động hỗ trợ dân làm cầu treo “tạm” là một giải pháp trước mắt giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân. UBND huyện cũng chỉ đạo địa phương làm sao trong quá trình thi công vừa đảm bảo việc đi lại, vừa đảm bảo an toàn cho người dân".

Hàn Hưng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu