21:40 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Kon Tum: Doanh nghiệp mở đường, san đồi, bạt núi làm điện gió trước sự “làm ngơ” của huyện?

08:43 22/03/2021

(THPL) - Mặc dù UBND tỉnh Kon Tum chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa đồng ý cho thuê đất. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật lại tự ý mở đường, san đồi, bạt núi để làm dự án điện gió trái phép?

Ngày 8/9/2020, UBND tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định số 866/QĐ-UBND về việc Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đắk Glei của Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật. 

 Theo đó, về quy mô, dự án nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đắk Glei có công suất thiết kế là 50MW, với trạm biến áp nâng áp 22(35)/110kV-(1x63)MVA. Nhà máy sẽ sản xuất điện năng bán lên hệ thống điện quốc gia thông qua thiết bị turbine gió.

Quyết định Chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Kon Tum (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Tổng vốn đầu tư của dự án 1.890 tỷ đồng trong đó vốn góp của Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật là 380 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư của dự án; và vốn vay từ Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum là 1.510 tỷ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

 Bên cạnh đó, diện tích mặt đất sử dụng sẽ là 24,55ha, trong đó diện tích sử dụng đất có thời hạn sau thi công là 14,55ha. Dự án nhà máy điện gió của Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật được thực hiện tại 2 xã: Đăk Môn và Đăk Kroong (huyện Đăk Glei-tỉnh Kon Tum).

 Về tiến độ thực hiện dự án, thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ dự kiến sẽ từ tháng 10/2021 trở đi. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật đã tự ý mở đường, san đồi, bạt núi để làm dự án khi chưa được phép? (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

 Dự kiến nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đắk Glei sẽ sử dụng công nghệ turbine trục ngang 3 cánh, có hộp số và không hộp số đi kèm với hệ thống điều khiển Pitch, xuất xứ của hãng Siemens Gamesa (Tây Ban Nha); công suất danh định của turbine là 2,5MW.

Nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Quá trình tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật được biết, Dự án nhà máy điện gió do Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật làm chủ đầu tư chỉ mới được UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, Dự án nhà máy điện gió vẫn chưa được cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại phần đất thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum vẫn chưa có quyết định cho Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật thuê đất để làm dự án.

Các trụ gió đã được chủ đầu tư lắp gần xong phần thép dầm (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Nhưng điều bất ngờ, trong các ngày 15/3 đến ngày 20/3/2021, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đi thực địa ghi nhận Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật đã cho công nhân tự ý mở đường, san đồi, bạt núi dài nhiều cây số trên phần đất dự án.

Dọc tuyến đường đi lên khu điện gió, chúng tôi ghi nhận xe tải đã chở và tập kết vật tư để tiến hành xây lắp dự án điện gió. Tại hiện trường, phóng viên còn ghi nhận nhiều trụ gió đã được đơn vị thi công cho hàng chục công nhân lắp đặt xong phần thép dầm.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật liên tục liên lạc với ông Nguyễn Thanh Tùng-Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Glei để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, vị này không nghe máy và cũng không hồi âm.

Trao đổi nhanh với phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, cho biết: “Trách nhiệm quản lý về đất đai mà chưa có giấy tờ mà làm là của huyện (huyện Đăk Glei-PV). Còn cho khởi công làm công trình thủy điện là phải được phép của Sở Công Thương, tức là quản lý nhà nước về lĩnh vực đó”.

“Còn về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, khi mà họ có Chủ trương đầu tư và đề nghị tiếp cận về đất đai thì mình có trách nhiệm cấp giấy. Còn kiểm tra về việc nó có làm đúng đất đai hoặc chưa có giấy mà làm (thủ tục pháp lý-PV) là tradch nhiệm của địa phương”, ông Lộc lý giải thêm.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo!

Hàn Hưng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu