17:29 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Kinh tế số Việt Nam năm 2020 vươn lên mức 14 tỉ USD

14:35 14/02/2021

(THPL) - Theo báo cáo mới nhất về kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác đưa nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 16% năm nay, đạt giá trị 14 tỉ USD và dự kiến đạt 52 tỉ USD năm 2025.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam thường dành khoảng 3,1 giờ/ngày để truy cập internet. Nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, họ bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đột ngột phát sinh, khiến thời gian truy cập tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày.    

“Covid-19 đã thay đổi thói quen hàng ngày, thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ hơn ở rất nhiều ngành và lĩnh vực, đáng chú ý là lĩnh vực y tế số, giáo dục số bên cạnh fintech” bà Trâm Nguyễn, giám đốc điều hành thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia của Google nhận định.

Cũng theo báo cáo, nền kinh tế Đông Nam Á hiện đã đạt đến giá trị 100 tỉ USD và dự kiến vượt mốc 300 tỉ USD vào năm 2025, với 40 triệu người dùng internet mới ghi nhận trong năm 2020. Trong đó Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mức hai con số. Năm 2020 cũng ghi nhận thay đổi lớn trong cơ cấu ngành đóng góp vào nền kinh tế số khu vực. Báo cáo cho thấy thương mại điện tử đang nổi lên là ngành có mức đóng góp lớn nhất, tăng 63%, đạt 62 tỉ USD trong năm nay và dự kiến tăng lên mức 172 tỉ USD vào năm 2025.

 

Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á

Nhờ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ cởi mở hơn với giao dịch trực tuyến, dịch vụ thanh toán số cũng phát triển lên 620 tỉ USD từ con số 600 tỉ USD năm 2019 và dự kiến đạt 1.200 tỉ USD năm 2025. Truyền thông trực tuyến cũng tăng 22%, lên mức 17 tỉ USD năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi sự bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (streaming), với mức tăng trưởng 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.

Đại dịch đã giúp củng cố lòng tin của người tiêu dùng vào các dịch vụ kỹ thuật số. Sự tăng trưởng đột biến theo cấp số nhân của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhiều cải tiến về hậu cần trên toàn khu vực. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn nhân lực vẫn là vấn đề ngày càng cấp bách, khiến các công ty vẫn đang tìm kiếm nhân sự có tay nghề cao, báo cáo nhận định. 

Trong khi đó, bức tranh đầu tư công nghệ trong khu vực tiếp tục khởi sắc với số thương vụ tăng 17% từ nửa đầu năm 2019 đến năm 2020.

Tuy nhiên tổng giá trị thương vụ giảm nhẹ từ 7,7 tỉ USD xuống 6,3 tỉ USD so với cùng kỳ, với nguyên nhân là sự sụt giảm các khoản đầu tư lớn vào “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp có giá trị đạt hơn 1 tỉ USD). Nguồn vốn cho các kỳ lân trong lĩnh vực thương mại điện tử, vận chuyển và thực phẩm, du lịch và truyền thông đã giảm từ 5,1 tỉ USD trong nửa đầu năm 2019 xuống 3 tỉ USD trong nửa đầu năm 2020.

Điều này đồng nghĩa các khoản đầu tư nhỏ đang tiếp tục tăng, chiếm hơn một nửa (53%) tổng giá trị thương vụ, so với 34% cùng kỳ năm trước. Giá trị các thương vụ trong lĩnh vực fintech đã nhảy vọt lên 835 triệu USD trong nửa đầu năm 2020, so với 475 triệu USD cùng kỳ năm 2019.

Mai Hương

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu