21:52 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19​

08:19 03/03/2022

Tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 3/2022, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 2/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức trực tuyến hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 3/2022. Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chủ trì hội nghị.

 Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin về “Một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ- CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, sau khi Nghị quyết số 128/NQ- CP được ban hành, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn trực tuyến để triển khai và tuyên truyền Nghị quyết, các văn bản hướng dẫn cho 63 tỉnh/thành phố; cập nhật và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo phòng, chống dịch… Từ ngày 29/01/2022 đến hết ngày 28/02/2022, Bộ đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 thần tốc mùa xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn. 

Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đã tổ chức triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch. Cấp độ dịch của các xã/phường được công bố thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (http://bandocovid.yte.gov.vn/map). Cụ thể tính đến ngày 01/3/2022, trong tổng số 10.604 xã/phường có 5.555 xã/phường cấp độ 1 (52,4%); 2.830 xã/phường cấp độ 2 (26,7%); 1.827 xã/phường cấp độ 3 (17,2%); 373 xã/phường cấp độ 4 (3,5%).

Tình hình bệnh dịch tại Việt Nam: Tính đến ngày 27/02/2022, cả nước đã ghi nhận trên 3,44 triệu ca mắc, trên 2,43 triệu người đã khỏi bệnh (72,6%), 40.144 ca tử vong (1,16%). Đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại một số tỉnh, thành phố. 

Kết quả tiêm chủng vắc xin: Tổng số vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận đến ngày 28/02/2022 là 218.022.984 liều. Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 27/02/2022: Đã tiêm 193.625.095 liều, tỷ lệ sử dụng đạt 95,9% số vắc xin phân bổ 128 đợt. 53/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%. 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90% .

Từ khi Nghị quyết số 128/NQ- CP ra đời đã tạo được khung pháp lý vững chắc giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch. Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, văn hóa, xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. 

Mặc dù số mắc có xu hướng tăng nhưng số trường hợp diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy… giảm nhiều so với trước. Tỷ lệ bệnh nhân phải thở oxy giảm hơn 22 lần (từ 6,05% - tháng 10/2021 xuống 0,27% - tháng 2/2022). Tỷ lệ tử vong/số mắc giảm gần 50% từ 2,45% xuống 1,24% (Nguồn https://ourworldindata.org/mortality-risk-covid) do triển khai hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin, độ bao phủ vắc xin cao, năng lực hệ thống y tế ngày càng được tăng cường.

Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, được dư luận, người dân đồng tình, doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế và tạo ra sự thay đổi mới trong tư duy, phương thức phòng, chống dịch; với chủ trương chống dịch thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ các rào cản trong sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động ở các địa phương và sự giao thương giữa các tỉnh, thành, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với cấp độ dịch của địa bàn.

Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, công nghiệp đang phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV/2021 tăng 6,52%, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản quý IV/2021 tăng 3,16%, tổng kim ngạch xuất khẩu quý IV/2021 tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước. 

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 16,4% dự toán, trong đó thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực kinh tế vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực. Các thị trường xuất khẩu chính đều có tăng trưởng .

Người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế đã tin tưởng, đồng tình với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch, khẳng định ý nghĩa quan trọng, sự đúng hướng, kịp thời, hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP.

 Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 3/2022.

Cũng tại hội nghị đồng chí Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề “Cục diện thế giới hiện nay - tác động và chính sách của Việt Nam”.

Phát biểu định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo cáo viên cả nước căn cứ thông tin, tài liệu của Bộ Ngoại giao cung cấp để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Cục diện thế giới hiện nay nhất là tình hình Nga – Ukraine qua đó tác động đến tình hình trong nước và những chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó đồng chí Lê Hải Bình cũng đề nghị các báo cáo viên Trung ương và các tỉnh, thành bám sát vào thông tin mà Bộ Y tế cung cấp để thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong đó tập trung tuyên truyền một số nội dung: Tuyên truyền sâu rộng Công điện số 170/CĐ-TTg ngày 23/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: Các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp trong phòng chống dịch COVID-19 đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan….

Trong thời gian tới, đồng chí Lê Hải Bình yêu cầu báo cáo viên trên toàn quốc tập trung tuyên truyền kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; về lễ hội năm 2022; Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam…/.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu